Nghệ An ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Quốc Khánh
Triển khai Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Nghệ An thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng kết nối và hiện đại.

Theo đó, tỉnh sớm đưa thành công nhiều biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: Tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày; thâm canh lúa nước sử dụng phân viên nén dúi sâu, kỹ thuật SRI; quy trình bón phân hợp lý cho cây chè trên nền tảng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng;...

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra các loại giống cây, con có giá trị, chủ động sản xuất như trà hoa vàng, chanh leo; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một số khâu trong quy trình sản xuất...

Nghi Thạch  Ứng dụng tưới nhỏ giọt tại nhà vườn xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Một số mô hình ứng dụng công nghệ sinh học thành công và đang lan tỏa ra toàn tỉnh, như mô hình sản xuất giống và trồng nấm ở Tân Kỳ; ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho trâu, bò, lợn từ cây ngô, lá sắn ở Thanh Chương, Anh Sơn...

Đặc biệt, từ năm 2016, Nghệ An đã có chương trình phát triển 100 sản phẩm đặc hữu, vùng miền. Đến nay, tỉnh đã có 235 sản phẩm truyền thống và đặc trưng địa phương được tác động về khoa học công nghệ.

Hiện nay, Nghệ An quan tâm việc ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đầy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn Nghệ An.

Từ ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An gấp 3,4 lần, từ 12 triệu đồng/người/năm (2010), đến hết năm 2023 là 40,5 triệu đồng/người/năm.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN