Nhiều điểm nghẽn trong hoạt động khoa học-công nghệ

Quốc Khánh
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ giai đoạn 2011-2020, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học-công nghệ đề ra trong Chiến lược và đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực khoa học-công nghệ của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ thời gian tới để khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là đột phá chiến lược, động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh MỸ HÀ)
Tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh MỸ HÀ)

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ giai đoạn 2011-2020, đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng... Kết thúc kỳ thực hiện Chiến lược, có tám mục tiêu quan trọng trên tổng số 11 mục tiêu đã đạt được.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó đáng chú ý nhất là hệ thống quy định pháp luật còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về khoa học và công nghệ. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến.

Còn một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của khoa học-công nghệ, trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam, từ đó tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Thí dụ như vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; về góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học…

Thị trường khoa học và công nghệ phát triển vẫn còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung-cầu; chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hóa.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới chỉ tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu và tính ứng dụng chưa cao; chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong xã hội. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Năng lực kết nối của viện nghiên cứu, trường đại học để cung cấp nguồn cung sản phẩm khoa học-công nghệ cho doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa chưa bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với đó, phát sinh nhiều vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức khoa học-công nghệ công lập trong việc lấy tự chủ tài chính làm gốc và cắt giảm ngân sách nhà nước dẫn tới suy giảm cả về số lượng và động lực phát triển của các tổ chức này.

Mục tiêu của việc hình thành các Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ quốc gia, Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ là nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, các quỹ nêu trên hoạt động vẫn dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước cấp, chưa trở thành kênh huy động, thu hút được đầu tư từ khu vực xã hội cũng như chưa phát huy vai trò cho vay, hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ.

Các quy định về trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ của doanh nghiệp vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Cơ chế chính sách huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước chưa thật sự hiệu quả, chưa huy động được tối đa nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QÐ-TTg. Các mục tiêu trong Chiến lược sẽ được đánh giá hằng năm, sơ kết vào năm 2025 và tổng kết vào năm 2030. Năm 2023 là năm đầu triển khai thực hiện Chiến lược, và Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược và sẽ có kết quả tổng hợp tình hình thực hiện các mục tiêu vào cuối năm 2023.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian tới cần tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Ðảng về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo,… theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học-công nghệ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thí dụ, cho phép thử nghiệm chính sách mới (Regulatory Sandbox) thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới. Ðổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập phù hợp với thông lệ quốc tế. Triển khai các chính sách, giải pháp để các trường đại học thật sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao…

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN