Tháng 7/2021 đánh dấu mười năm kể từ khi Spotify ra mắt tại Mỹ. Vì thế, đây là dịp thú vị để xem điều gì sẽ xảy ra với Spotify và ngành công nghiệp âm nhạc trong thập kỷ tới.
Ba kịch bản của Spotify trong 10 năm tới
Thay vì tập trung vào triển vọng kinh doanh, blog âm nhạc Music Industry đã khám phá cách Spotify và các dịch vụ phát trực tuyến khác, có thể thay đổi cách thức nghe nhạc, hưởng thụ âm nhạc trong mười năm tới của mọi người.
Đầu tiên, sau đây là ba kịch bản kinh doanh trong tương lai của Spotify. Kịch bản thứ nhất là Spotify sẽ tiếp tục dẫn đầu toàn cầu nhưng bị giảm thị phần do đối thủ cạnh tranh gia tăng trong khu vực tại các thị trường mới nổi. Kịch bản thứ hai là động lực phát triển thị trường của Spotify giảm, giá cổ phiếu sụt giảm và Spotify được một thực thể khác mua lại. Và cuối cùng, Spotify biến thành một nền tảng giải trí và sáng tạo đa mặt thực sự, phục vụ cho mục đích giải trí như Amazon hiện đang làm cho bán lẻ nhưng với nhiều công cụ và dịch vụ hơn.
Và với ba kịch bản trên, chúng ta có thể hình dung ra tương lai của ngành công nghiệp tiêu thụ âm nhạc.
Nhưng để vạch ra tương lai, bạn cần biết quá khứ. Đây là một số những cách chính xu hướng phát trực tuyến đã thay đổi cách chúng ta tương tác với âm nhạc.
Đó là số lượng nghệ sỹ mà chúng ta nghe nhạc, thưởng thức âm nhạc và biểu diễn của họ nhiều hơn, nhưng chúng ta lại dành ít thời gian hơn cho từng nghệ sĩ. Chúng ta nghe các bản nhạc và danh sách phát nhiều hơn nhưng ít album hơn. m nhạc được lập trình (bởi chính chúng ta và bởi các dịch vụ phát trực tuyến) như một bản nhạc cho cuộc sống và trở thành thói quen hàng ngày của chúng ta. Sự phân chia thể loại âm nhạc ngày càng trở nên ít ý nghĩa hơn. Ngoài ra, ngày càng ít có các thương hiệu nghệ sĩ, và sự cuồng nhiệt với âm nhạc, hâm mộ hay trở thành fan âm nhạc ngày càng ít hơn.
Vào năm 2015, CEO Daniel Ek của Spotify nói rằng anh ấy muốn Spotify trở thành "bản nhạc phim của cuộc đời mọi người". Không còn nghi ngờ gì nữa, Spotify và các dịch vụ phát trực tuyến khác đang đạt được điều đó nhưng lại … tầm thường hơn. Theo ví von, Spotify và âm nhạc trực tuyến chỉ như một bộ phim giải trí thông thường, chưa đạt được sự thành công của một bom tấn.
Thưởng thức âm nhạc sẽ mang tính cá nhân hóa rất cao
Nhưng dù thích hay không, động lực thưởng thức, theo dõi âm thanh này có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của việc tiêu thụ âm nhạc. Cá nhân hóa, thuật toán, dữ liệu người dùng và lập trình cũng có tiềm năng khơi dậy niềm đam mê âm nhạc. Dưới đây là hai cách chính mà Spotify và các dịch vụ phát trực tuyến khác có thể chuyển đổi việc nghe nhạc trong mười năm nữa kể từ bây giờ:
Phục vụ âm nhạc kiểu cá nhân hóa và sinh trắc học: Dường như các ngành công nghiệp đang trong một cuộc chạy đua vũ trang sử dụng dữ liệu nhằm phục vụ người dùng một cách cá nhân hóa nhất. Ngành công nghiệp âm nhạc cũng vậy, tập trung vào sở thích và hành vi âm nhạc của người dùng. Mặt trận tiếp theo mà âm nhạc theo đuổi sẽ là toàn bộ cuộc sống của người nghe.
Bất kỳ người dùng cá nhân nào cũng có thể trở thành một người nghe nhạc tùy thuộc vào bối cảnh nghe của họ. Nếu các dịch vụ phát trực tuyến có thể thu thập dữ liệu từ các thiết bị cá nhân và biểu đồ xã hội, thì các yếu tố như nhịp tim, vị trí, hoạt động, nét mặt và cảm xúc người dùng đều có thể được sử dụng để tạo nguồn cấp dữ liệu âm nhạc phản hồi động cho từng cá nhân.
Nghĩa là, thay vì người dùng phải chủ động tìm danh sách phát nhạc, nguồn cấp dữ liệu nhạc sẽ tự động điều chỉnh âm nhạc theo hành vi và thói quen của người nghe. Chạy càng nhanh, nhịp độ âm nhạc càng cao; càng về khuya, âm nhạc càng tha thiết, hay thời tiết càng lạnh, âm nhạc cũng đổi thay. Chọn danh sách phát dựa trên tâm trạng và hoạt động người dùng sẽ cực kỳ máy móc trong thế giới này, nghĩa là dựa trên số liệu, trên trí tuệ nhân tạo và trên máy học. Hãy nghĩ về nó giống như sự thay đổi từ hộp số tay sang số tự động trên ô tô.
Danh mục âm nhạc sẽ thay đổi: Cũng giống như hoạt động thưởng thức và nghe nhạc dựa trên tâm trạng, danh mục âm nhạc cũng vậy. Theo truyền thống, việc tiêu thụ theo danh mục được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa hành vi của người dùng và sự thúc đẩy tiếp thị của các hãng, nhà xuất bản và bây giờ là quỹ âm nhạc ‘quản lý bài hát’. Nhưng mọi thứ không cần phải như vậy nữa.
Trong những năm qua, các dịch vụ phát trực tuyến đã thu thập rất nhiều dữ liệu người dùng. Cũng giống như Facebook đã giới thiệu những kỷ niệm cho các bài đăng của người dùng, vì vậy các dịch vụ phát trực tuyến có thể mang đến những kỷ niệm âm nhạc, cho người dùng thấy những gì họ đã nghe vào ngày này mười năm trước hoặc nhạc nền cho mùa hè của bạn đã trở lại vào năm 2021. Rõ ràng Spotify đã và đang tạo ra bước tiếp theo này nhưng đây sẽ là bước lớn hơn nhiều, thường xuyên mang hương cốm hoài niệm suốt một ngày, một tuần, một tháng, một năm.
Không chỉ đơn giản là những người nắm giữ bản quyền âm nhạc và có ngân sách tiếp thị lớn nhất, hay các chiến dịch thông minh nhất trên TikTok (hoặc bất cứ thứ gì có thể thay thế TikTok trong mười năm tới kể từ bây giờ) mới có được những thay đổi lớn nhất về tiêu thụ âm nhạc.
Tất nhiên, đây chỉ là hai dự đoán dựa trên những gì đã xảy ra cho đến nay, chứ không hẳn là tất cả xu hướng dịch chuyển tiêu dùng âm nhạc này chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Thật vậy, bản thân việc phát trực tuyến có thể sẽ hoàn toàn đổi khác trong 10 năm nữa. Thay đổi cần có thời gian. Nhưng 10 năm là một khoảng thời gian dài trong thế giới công nghệ, vì vậy ngay cả khi tất cả những dự đoán trên không xảy ra, bạn vẫn có thể chắc chắn rằng việc nghe nhạc trong 10 năm nữa sẽ khác bây giờ rất nhiều.