Sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ: Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Quốc Khánh
Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy KH&CN trong giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của KH&CN và sự bùng nổ của công nghệ số. Những thay đổi này đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN đã nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia thu nhập cao. Cùng với đó, khái niệm "nghiên cứu, phát triển" đã dần được thay thế bằng "nghiên cứu phát triển và ĐMST". Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, hoạt động này không chỉ diễn ra tại các viện nghiên cứu, trường đại học mà còn phổ biến trong các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN, đặc biệt là DN tư nhân thậm chí đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để tạo nền tảng cho các phát minh và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, trong 10 năm qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm và chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, các nội dung này cần được thể chế hóa kịp thời vào trong Luật.

khcn

Ảnh minh hoạ

Ngày 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 457/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật KH&CN (sửa đổi), do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban.Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng một dự án luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của KHCN, mà còn là một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Luật Khoa học và công nghệ 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù các quy định về đổi mới sáng tạo đã được đề cập trong một số luật hiện hành như Luật Khoa học và công nghệ 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ, nhưng nội hàm đầy đủ của đổi mới sáng tạo cùng các thành tố liên quan đến nó vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Trên thế giới, đã hình thành một phong trào về đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc phát triển các khái niệm như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành và các mô hình kết nối khác.

Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.

Luật Khoa học và công nghệ lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động này trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các luật khác, như Luật Thuế, Luật Đất đai, bằng cách cung cấp các ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cũng theo Thứ trưởng, trong Luật Khoa học và Công nghệ dự kiến trình Chính phủ và sau đó trình Quốc hội nhằm mục tiêu tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/vạn dân.

Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu phát triển trong các doanh nghiệp.

Vì vậy, luật lần này cần có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội. Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp.

Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích, chẳng hạn như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn.

Thứ trưởng cho rằng để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, luật cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu phát triển của toàn xã hội vào trong luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN