Tham dự có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành và đông đảo doanh nghiệp trong cả nước.
Đại biểu dự Hội thảo
Tìm kiếm giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ
Hội thảo "Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ" do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Bình Dương, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN tổ chức với mục đích kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển và thương mại hóa sáng chế, tài sản trí tuệ, cách thức ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KHCN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về những vấn đề của đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay như: Chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp KHCN; giải pháp kết nối nguồn lực thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; chiến lược đầu tư tài chính vào công nghệ; quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế; hợp tác hình thành vườn ươm hiệu quả. Đồng thời nghe chia sẻ kinh nghiệm và kết quả thực tế từ các doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động KHCN tại Việt Nam như: SAVIPHARM, Sao Thái Dương, Công ty Gốm sứ Minh Long, Tiến Nông…
Ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Minh Long I chia sẻ những điểm ưu việt của sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh được sản xuất nhờ ứng dụng KHCN
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Quỹ đầu tư Expara ASIA chia sẻ giải pháp đầu tư tài chính công nghệ
Các đại biểu cho rằng, vấn đề KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang có một số điểm nghẽn, số lượng sáng chế còn khiêm tốn và chất lượng chưa cao. Tuy nhiên, Chính phủ và các Bộ, ban ngành đang nỗ lực từng bước tháo gỡ tạo thuận lợi phát huy hiệu quả những sáng chế. Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc thay đổi công nghệ theo lộ trình cụ thể và căn cơ. Đây được xem là yếu tố quyết định đến việc phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thương mại hóa sẽ là căn cứ tham mưu cho cơ quan quản lý điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn. Theo ông, thị trường sáng chế sẽ chỉ sôi động khi số lượng sáng chế ngày càng gia tăng, cung cấp nhiều hàng hoá cho thị trường và những hàng hoá này chỉ có giá trị khi đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và xã hội.
Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại, Bình Dương có một số doanh nghiệp KHCN đầu ngành, tiêu biểu như Công ty Minh Long, Vinamit, Thiên Dược… Mặc dù số lượng các doanh nghiệp KHCN còn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh nhưng đang càng ngày thể hiện mình trên con đường hội nhập, phát triển bền vững, các sản phẩm KHCN ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên nền tảng các quy định, chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với DN KHCN ngày càng cụ thể, tỉnh đang từng bước thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển DN KHCN, hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ, gắn kết các DN KHCN địa phương với hệ sinh thái các DN KHCN trong nước, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vững trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải Cuộc thi "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh năm 2022" cho các đơn vị đạt giải.
Trao giải Cuộc thi "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh năm 2022"
Đường băng để "kỳ lân công nghệ" cất cánh
Cũng trong sáng 02-12, trong khuôn khổ TECHFEST VIETNAM 2022 đã diễn ra Hội thảo "IPO - Đường băng sáng tạo, kỳ lân cất cánh". Tại đây, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp về công nghệ đã có những chia sẻ về cách phát triển trở thành "kỳ lân công nghệ", giải pháp vốn hóa cho doanh nghiệp công nghệ.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch MoMo đã chia sẻ hành trình trở thành kỳ lân của ví điện tử MoMo. Sau khoảng 10 năm, MoMo hiện đã không còn đơn thuần là một ví điện tử, mà đã và đang trở thành một sàn thương mại điện tử.
Hiện có khoảng 31 triệu người dùng MoMo, biến siêu ứng dụng này trở thành ví điện tử đứng đầu người dùng và khối lượng giao dịch. Hiện số tiền thanh toán qua MoMo đã đạt 500 nghìn tỷ đồng.
Để có được thành quả này, MoMo đã xây dựng được hệ sinh thái đa dạng dịch vụ, đáp ứng mọi nhu cầu đời sống của người Việt như dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, tài chính tiêu dùng, dịch vụ bảo hiểm, hoạt động xã hội, thương mại điện tử, viễn thông tiện ích, hệ thống nhà hàng, dịch vụ giải trí…
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo "IPO - Đường băng sáng tạo, kỳ lân cất cánh"
Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để trở thành "kỳ lân công nghệ", starup công nghệ phải tích lũy, xây dựng và phát triển tối thiểu 6 yếu tố. Đầu tiên là xây dựng sản phẩm sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm và phải có hàm lượng công nghệ cao. Thứ hai là phải có tầm nhìn về sự phát triển của thị trường và biết cách mở rộng quy mô dịch vụ. Thứ ba, phải biết cách quản lý tài chính, chi tiêu phù hợp. Thứ tư là tìm được đồng đội cùng chia sẻ, không làm vì lợi ích ngắn hạn trước mắt. Thứ năm, kiên trì với ước mơ, mục tiêu ban đầu đề ra. Sau cùng, là phải trung thực, minh bạch về số liệu.
TS.Đỗ Văn Phú - Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp starup phải định giá thương hiệu. Quá trình này gồm 4 bước: Định hình, định tính, định lượng và tạo giá trị bền vững. Các giá trị bền vững là mang lại lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp
Hội thảo còn có sự chia sẻ của những chuyên gia về giải pháp vốn hóa cho doanh nghiệp công nghệ, các bước cơ bản để một starup công nghệ Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Pháp, Mỹ…