Trà Vinh: 8 giải pháp cho phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

Bùi Quốc Khánh
Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ là lực lượng trí thức tham gia vào các hoạt động khoa học, công nghệ, là nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ, giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với xu hướng phát triển.

Những năm qua, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh về số lượng và chất lượng với nhiều ngành khoa học, nhiều lĩnh vực khác nhau. Đội ngũ những người làm khoa học - công nghệ đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo chương trình, dự án, đề án về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp cấp ủy, chính quyền đề ra những chủ trương giải pháp mang tính khoa học cao, thực thi có hiệu quả.

tm-img-alt

Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức họp mặt báo chí, văn nghệ sĩ và đội ngũ trí thức Xuân Giáp Thìn năm 2024 nhằm biểu dương sự cống hiến của giới báo chí, văn nghệ sĩ và đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thời gian qua, mạng lưới các cơ sở khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có những bước phát triển nhất định, tổ chức bộ máy của cơ quan Sở Khoa học - Công nghệ tiếp tục được kiện toàn, một số cơ sở khoa học và nghiên cứu khoa học đã được thành lập mới. Năm 2023, tỉnh Trà Vinh có 37 tổ chức khoa học và công nghệ; trong đó có 20 tổ chức công lập (chiếm 54,05%) và 17 tổ chức ngoài công lập (chiếm 45,95%). Cơ sở vật chất của các cơ sở khoa học và nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tương đối đảm bảo cho các hoạt động nghiên cứu hiện nay, tuy nhiên chưa đảm bảo đủ điều kiện của các tổ chức nghiên cứu chuyên sâu.

Liên hiệp hội tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, thời gian qua đã tham gia tổ chức các Hội thảo khoa học trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tổ chức các Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng,...; tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến dự thảo văn bản, từ đó góp phần tham mưu lãnh đạo tỉnh đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững. ..

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ở Trà Vinh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế: Kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của nguồn nhân lực khoa học - công nghệ nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc còn chậm và thấp hơn so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;…

Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt 8 giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2015, định hướng đến năm 2030”. Coi nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ là góp phần thực hiện tốt 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI) và là 1 trong 3 đột phá phát triển, theo Quyết định 1142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, cũng là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của các cấp, các ngành, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.

-Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút, phát huy, giữ chân những cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các trường đạo tạo trong và ngoài nước.

- Công tác phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cần được thực hiện đồng bộ, cân đối giữa đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn, quản lý kinh tế. Ưu tiên bồi dưỡng nhân tài, kỹ thuật viên và công nghệ lành nghề cho các lĩnh vực khoa học - công nghệ và các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh việc phát huy, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có, cần quan tâm đào tạo chuyên gia trình độ cao ở các lĩnh vực khác như: Du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số,… Từ đó, triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Quan tâm thúc đẩy phát triển nhân lực khoa học – công nghệ trong các doanh nghiệp và thu hút nhân lực trình độ cao thông qua việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển các dự án sản xuất, văn phòng hoạt động tại Trà Vinh. Tăng cường gắn kết giữa Viện, Trường - Doanh nghiệp.

- Liên kết, hình thành mạng lưới chuyên gia khoa học – công nghệ là người Trà Vinh ở các tỉnh, thành trong cả nước, ở nước ngoài nhằm hỗ trợ, cho ý kiến giúp tỉnh nhà trong các định hướng lớn về phát triền kinh tế - xã hội; về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mang tầm quốc gia, quốc tế phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh.

- Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường chuyên nghiệp của tỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực từng ngành, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo nền tảng cho phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Định hướng các ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo, chú trọng những ngành nghề để phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch…

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Chú trọng phát triển, đầu tư các nhiệm vụ khoa học - công nghệ có khả năng thương mại hóa cao. Nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở thông qua việc thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và cấp phát kinh phí theo cơ chế quỹ, thực hiện nghiêm các quy định quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh xác lập quyền, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hoá. Xây dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương, góp phần tạo uy tín, nâng cao giá trị cho sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát triển và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trên cơ sở Đề án 844 của Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới, sáng tạo của tỉnh: Nông nghiệp; Công nghiệp; Dịch vụ và Du lịch. Đầu tư xây dựng mới Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Trà Vinh và Khu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học vào trong sản xuất. Hình thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ và các cơ sở nghiên cứu thuộc Trường Đại học Trà Vinh.

- Thu hút đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở khoa học - công nghệ ngoài công lập trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ.

ThS. Trần Văn Vũ Phó Chủ tịch Liên hiệp hộib tỉnh Trà Vinh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN