62% doanh thu của doanh nghiệp nhỏ đến từ nền tảng số

DNVN - Chia sẻ tại Tọa đàm “Nền tảng số - Tăng trưởng trong tương lai” chiều 6/12, TS. Ming Tan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng cho biết: 62% doanh thu của doanh nghiệp Việt siêu nhỏ, nhỏ và vừa đến từ nền tảng số, cao hơn 5% so với với các doanh nghiệp Singapore ở mức 57%.

Tọa đàm “Nền tảng số - Tăng trưởng trong tương lai” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu vì Cộng đồng - Tech For Good Institute (TFGI) tổ chức. Viện TFGI là tổ chức nghiên cứu độc lập phi lợi nhuận do Grab thành lập.

Tọa đàm “Nền tảng số - Tăng trưởng trong tương lai” chiều 6/12.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Ming Tan, Viện trưởng Viện TFGI khẳng định: Số hóa và nền kinh tế số có nhiều tiềm năng đối với khu vực Đông Nam Á.

Đây là khu vực đã đạt được những bước tiến to lớn để dịch vụ Internet di động dễ dàng được truy cập với giá cả phải chăng. Năm 2020, tại 6 thị trường lớn nhất khu vực gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam, có hơn 400 triệu người dùng Internet, con số này tăng gấp 3 lần so với mười năm trước.

“Kết quả nghiên cứu trong báo cáo về Kinh tế Nền tảng của Viện TFGI cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc tham gia vào nền kinh tế số. Thực tế, trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia khảo sát, 62% doanh thu của họ đến từ nền tảng số, cao hơn 5% so với với các doanh nghiệp Singapore ở mức 57%”, TS. Ming Tan cho biết.

Cao hơn Singapore, 62% doanh thu của doanh nghiệp Việt siêu nhỏ, nhỏ và vừa đến từ nền tảng số.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện TFGI, hiện 30% dân số tại 6 nước Đông Nam Á trên vẫn chưa tham gia vào môi trường trực tuyến, và vẫn còn một khoảng cách lớn giữa thành phố và nông thôn.

Đại dịch COVID -19 đã thúc đẩy đáng kể sự tham gia vào các nền tảng số, nhưng đây vẫn chỉ đang ở những bước đầu tiên. Khu vực Đông Nam Á có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa. Ví dụ, doanh số bán đồ ăn trực tuyến và thương mại điện tử chỉ chiếm 8% tổng doanh số bán đồ ăn và bán lẻ trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 so với 17% ở Mỹ và 27% ở Trung Quốc.

“Tiềm năng lớn luôn đi kèm với trách nhiệm cần phải giảm thiểu rủi ro. Làm thế nào để có thể phát triển nền kinh tế số công bằng, bao trùm và bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta cần các giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh của Đông Nam Á. Cần học hỏi lẫn nhau và làm việc cùng nhau. Đó là sứ mệnh của TFGI phục vụ các nhóm đang làm việc và chịu tác động bởi sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á”, TS. Ming Tan nói.

Hà Anh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN