Bác Hồ với Khoa học Công nghệ

Bùi Quốc Khánh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN). Người cho rằng khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật để phục vụ cho nước nhà. Có thể khẳng định, hiểu và đánh giá đúng về vai trò, sức mạnh của KH&CN và biết cách phát huy tối đa sức mạnh đó trong sự nghiệp cách mạng chính là cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.

Tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Câu nói cô đọng và giản dị của Bác đã hàm chứa đầy đủ nhận thức và trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với sự phát triển KH&CN nước nhà.

Với lý do đó, Bộ KH&CN đã đề xuất Chính phủ trình Quốc Hội thông qua Luật KH&CN năm 2013 ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XIII, trong đó quy định ngày 18/5 là ngày KH&CN Việt Nam.

images54787-35-1684428422.png

BÁC HỒ THĂM KHU CÔNG NGHIỆP DẦU KHÍ BACU (LIÊN XÔ) NĂM 1959

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân, cho các thế hệ đời sau của dân tộc ta những giá trị tư tưởng to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự phát triển của KH&CN vì Người cho rằng nó có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN để phục vụ cho nước nhà.

Khoa học phải từ sản xuất mà ra

Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều,.... Vì vậy, nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Bác nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".

KH&CN liên kết chặt chẽ với sản xuất, nhất là ở nước nghèo, để phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta là nước chậm phát triển, việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo.

Người khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Trải qua thực tế, vai trò KH&CN trong đời sống xã hội là rất to lớn. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN không chỉ cần sức mạnh của một vài cá nhân hay tổ chức nhất định mà toàn xã hội phải cùng thể hiện trách nhiệm, cùng chung tay phát triển KH&CN, để đưa cuộc sống người dân ngày càng tiến lên.

Liên kết chặt chẽ giữa KH&CN với sản xuất là một điểm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. Ngày nay, trong thế giới hiện đại với sự phát triển chưa từng có của KH&CN làm xuất hiện nền kinh tế tri thức, cùng với xu thế toàn cầu hóa đem lại cho tất cả các nước trên thế giới nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Trong điều kiện đó càng phải phát huy cao hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, đặc biệt là quan điểm phối hợp giữa tiếp thu thành tựu KH&CN của thế giới và phát triển công nghệ nội sinh, từ đó từng bước tiến hành một nền KH&CN hiện đại đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa.

tai-xuong-1-1684428405.jpg

Ngày 14/5/1959, Bác đến thăm Nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Công nghệ là lãnh đạo và cải tạo kinh tế của quốc dân

“... khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng...”

Về phát triển công nghệ, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến kế hoạch và sản xuất. Người cho rằng kế hoạch không nên tụt lại sau, nhưng cũng không nên chạy quá nhanh trước sự phát triển của công nghệ. Mong muốn của Hồ Chí Minh là làm sao để dân ta thoát khỏi đói nghèo, để nền kinh tế của nước ta theo kịp các nước tiên tiến khác. Muốn như vậy thì chúng ta cần phải tập trung tăng cường và đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực về KH&CN dựa trên một nền kinh tế nông nghiệp ổn định. Người cũng chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa công nghệ với ngành nông nghiệp. Trong nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đảm bảo phát triển kinh tế, và công nghệ cũng là một yếu tố ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp. Hồ Chí Minh cho rằng: “Chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ăn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta - thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó, là lãnh đạo và cải tạo kinh tế của quốc dân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, tr.499).

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, hiểu biết của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Biết bao nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học tên tuổi như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống êm ấm, giàu có ở Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo hay Paris để tham gia cách mạng, sẵn sàng chịu nhiều hi sinh, gian khổ, lập nên những kỳ tích về KH&CN trong kháng chiến. Tất cả họ đều xuất phát từ lòng yêu nước, niềm tin, niềm cảm phục đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, từ “ánh sáng” toát ra từ tầm cao trí tuệ, từ cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Bên cạnh sự quan tâm và chính sách trọng dụng nhân tài, Người cũng đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực KH&CN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng "con người mới" vì đây là động lực quyết định hướng đi lên của xã hội Việt Nam tương lai. Người đòi hỏi phải có chiến lược trồng người như trong câu nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Bác phát biểu tại lớp học chính trị của giáo viên cấp 2 và cấp 3 toàn miền Bắc năm 1958). Con người mới vừa là nhân vừa là quả của quá trình đấu tranh xây dựng xã hội mới. Bác Hồ đã từng nói: "Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ". Con người mới phải có tri thức văn hóa và khoa học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ dựa trên những phẩm chất đạo đức được tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày.

Việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 7/11/2006 về phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là hết sức có ý nghĩa. Khi mà nhân loại đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, kỷ nguyên của CNTT trực tuyến mà trong đó KH&CN và tri thức đã trở thành động lực trực tiếp và quan trọng nhất cho phát triển thì những quan điểm của Hồ Chí Minh về KH&CN, tấm gương đạo đức và tác phong của Người trong quan hệ với đội ngũ trí thức vẫn mãi là kim chỉ nam, là động lực để chúng ta có thể tạo nên nhiều kỳ tích về KH&CN trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và hội nhập.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN