Giải thưởng báo chí về KHCN là sự ghi nhận của Bộ KH&CN trong việc vinh danh những tác giả là các nhà báo viết về KHCN đã nỗ lực, tìm tòi, phát hiện, phản ánh các kết quả của ngành KHCN nói chung đóng góp cho sự phát triển KHCN của đất nước.
Được tổ chức từ năm 2012 đến nay, giải thưởng đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương với hơn 7.400 tác phẩm, nhóm tác phẩm thuộc 4 loại hình báo chí.
Giải thưởng báo chí về KHCN 10 năm qua cũng đã khẳng định được vai trò, vị thế của một giải thưởng có uy tín và ngày càng lan toả. Đến nay, nhiều địa phương, như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang… cũng đã tổ chức các giải thưởng báo chí về KHCN, góp phần lan tỏa ngày càng rộng rãi hơn vai trò của truyền thông KHCN và đổi mới sáng tạo.
Tiếp nối thành công từ các năm trước, "Giải thưởng báo chí về KHCN năm 2022" tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tham gia của hầu hết các các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 600 tác phẩm, nhóm tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả. Bộ KH&CN đã phê duyệt và trao giải thưởng cho 18 tác phẩm, gồm 4 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và 6 giải phụ ở các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Trong đó, giải nhất được trao cho các nhóm tác phẩm: Để Việt Nam thành Digital Hub của khu vực vào năm 2030" (Tạp chí Kinh tế Việt Nam), Khơi "dòng chảy" thương mại hóa công nghệ (Báo Công Thương điện tử), Ứng dụng thực tiễn cuộc sống - Thước đo giá trị của các công trình đạt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN lần thứ 6 (Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam), 20 năm SRI - Cuộc cách mạng trong sản xuất lúa ở Việt Nam (Kênh VTC16 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC).
Báo Điện tử Chính phủ đoạt giải Nhì với nhóm tác phẩm "Đổi mới sáng tạo: Công cụ và thách thức" của tác giả Phan Thu Giang. Nhóm tác phẩm đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, của ứng dụng KHCN, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch; đồng thời đi sâu vào phân tích các công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nút thắt về cơ chế và đề xuất các giải pháp; từ đó, làm sâu sắc hơn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) năm 2021, đó là "Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân và đổi mới sáng tạo cũng phải là sự nghiệp cách mạng của toàn dân".
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ, trong nhiều năm qua, Bộ KH&CN cũng như ngành KHCN luôn nhận được sự quan tâm, sát cánh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở cả Trung ương và địa phương. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn đối với những người làm khoa học.
Các nhà báo đã kịp thời cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu KHCN mới; chủ động và tích cực tìm tòi, khám phá, phản ánh sinh động các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN mong các nhà báo tiếp tục đồng hành với Bộ và ngành KH&CN, có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để đóng góp vào thành công chung của ngành KHCN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.