Bộ Khoa học và Công nghệ đồng hành với tỉnh Bến Tre tìm kiếm giải pháp phòng trừ đối với đối tượng sâu đầu đen hại dừa (Opisina arenosella)

Cây dừa (Cocos nucifera L.) là một trong những loài cây lấy dầu quan trọng trên thế giới, được trồng trên 93 quốc gia. Theo thống kê của FAO (2020), tổng diện tích trồng dừa trên thế giới là 12,38 triệu ha, trong đó quốc gia trồng dừa nhiều nhất là Philippin, (3,63 triệu ha), Indonesia (3,25 triệu ha) và Ấn Độ (2,10 triệu ha). Diện tích cây dừa của Việt Nam khoảng 175.000 ha, đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Theo đánh giá của Cộng đồng dừa quốc tế (ICC), dừa Việt Nam có năng suất và chất lượng cao nhất trên thế giới.

Đối với tỉnh Bến Tre dừa là cây trồng chủ lực, là “BIỂU TƯỢNG” của Tỉnh. Diện tích gần 73.000 ha, chiếm hơn 50% đất sản xuất nông nghiệp và chiếm gần 58% diện tích cây trồng chủ lực, từ cây dừa tạo ra hơn 200 sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 346,91 triệu USD (2020). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng trở nên khốc liệt, trong khi mọi cây trồng khác đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng thì cây dừa có khả năng thích ứng và phát triển tốt.

Tuy nhiên, hiện nay cây dừa Bến Tre đang đối mặt với một đối tượng sâu hại nguy hiểm là sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella. Đây là loài sâu hại mới xuất hiện, được ghi nhận đầu tiên tại huyện Bình Đại vào tháng 07 năm 2020, sau đó nhanh chóng lây lan ra cáchuyện khác của tỉnh Bến Tre và nhiều địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến tháng 08 năm 2021, theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bến Tre, diện tích sâu đầu đen hại dừa gây hại trên địa bàn tỉnh là 603 ha trong đó: Chợ Lách (105,6 ha), Châu Thành (234,03 ha), Mỏ Cày Bắc (39,1 ha), Mỏ Cày Nam (90 ha), Bình Đại(109,17 ha), Thành phố Bến Tre (23,5 ha) và Ba Tri (1,6 ha). Diện tích nhiễm nhẹ: 332,12 ha (15-20%), nhiễm trung bình 161,98 ha (25-30%) và nhiễm nặng 108,9 ha (42%). Theo thông tin ghi nhận từ Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, tính đến tháng 03 năm 2021, ngoài Bến Tre với diện tích bị hại nặng, sâu đầu đen đã xuất hiện và gây hại tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và có nguy cơ lan rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai gần.

Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Bến Tre, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ KH&CN lập tức đồng hành với địa phương, huy động các nhà khoa học để tìm kiếm giải pháp khoa học và công nghệ, quy trình kỹ thuật quản lý đối tượng sâu hại này một cách căn cơ, bềnvững. Cụ thể hóa mục tiêu này bằng việc tổ chức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu các giải pháp quản lý tổng hợp sâu đầuđen Opisina arenosella (Lepidoptera: Xloryctidae) hại dừa tại Bến Tre và vùng phụ cận”. Tin tưởng rằng, kết quả của nhiệm vụ sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất bền vững và góp phần nâng cao giá trị cây dừa cho Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung.

  

Hình thái sâu non, nhộng và thành trùng sâu đầu đen hại dừa tại Bến Tre.

Triệu chứng gây hại của Sâu đầu đen hại dừa trên lá, quả và trên vườn cây.

Vườn dừa bị sâu đầu đen hại nặng.

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương - most.gov.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN