Các startup Việt nhắm đến mảng ứng dụng công nghệ Blockchain

Quốc Khánh
Sự xuất hiện của các startup Việt ứng dụng Blockchain giúp đưa công nghệ này gần hơn với thực tế. Đây cũng là minh chứng cho thấy Blockchain không chỉ là những cuộc chơi tài chính.

Trong những năm gần đây, Việt Nam được biết đến trên bản đồ thế giới là một trong những quốc gia có nhiều doanh nghiệp Blockchain tiềm năng. Việt Nam cũng liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng của Chainalysis về Chỉ số chấp nhận tài sản kỹ thuật số.

Nhờ nền kinh tế linh hoạt, dễ thích nghi, cơ sở hạ tầng chưa bị ràng buộc bởi các hệ thống dữ liệu lớn như ở phương Tây, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để phát triển, thử nghiệm và ứng dụng những công nghệ mới.

Đó cũng là lý do, chỉ trong một thời gian ngắn, đã xuất hiện nhiều startup Việt với những mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ Blockchain.

Chỉ mới hồi tháng 8 năm nay, Genetica - một startup của người Việt về lĩnh vực giải mã gene vừa bắt đầu cung cấp dịch vụ GeneNFT tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên người dùng Việt Nam có thể sở hữu kết quả giải mã gene của mình dưới dạng một tài sản số.

genetica-gene-nft-54-1667149703.jpg
GeneNFT có vai trò như một chứng chỉ số, đảm bảo người giải mã gene tại Việt Nam thực sự sở hữu bộ gene của chính mình. Ảnh: Trọng Đạt


Để làm điều này, Genetica đã ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm mã hóa dữ liệu. Startup này sau đó phát hành GeneNFT (một dạng chứng chỉ số về bộ gene) nhằm trao cho mọi người quyền kiểm soát dữ liệu di truyền của chính họ.


Lúc này, GeneNFT phát huy vai trò của một loại tài sản kỹ thuật số đại diện cho dữ liệu gene của một cá nhân. Đây chính là lời giải cho câu chuyện minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu gene vốn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học.

Công nghệ Blockchain cũng đã được ứng dụng vào trong lĩnh vực định danh số tại Việt Nam. Một trong những startup thành công nhất trong mô hình này là Jupviec - nền tảng chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc nhà theo giờ.

Nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho người lao động, Jupviec đã tích hợp công nghệ Blockchain vào hệ thống. Mỗi người lao động tại đây sẽ có một bản CV điện tử. Trên bản CV này, thông tin cá nhân, kinh nghiệm, lịch sử làm việc của họ sẽ được lưu trữ và không thể thay đổi nhờ công nghệ Blockchain.


Quá trình lao động của người giúp việc sẽ được xác nhận trong một chứng chỉ đào tạo số. Đây là bằng chứng xác thực cho những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ mà họ đã được đào tạo.

jupviec-blockchain-3-55-1667149728.jpg
Thông tin về người lao động được lưu trữ như một dạng định danh số bằng công nghệ Blockchain. 


Những bằng chứng này gắn liền với định danh số của người lao động. Người dùng ứng dụng Jupviec có thể xem hồ sơ của ứng viên và lấy đó làm cơ sở để đánh giá mức độ tin cậy cũng như kỹ năng, trình độ nhằm đưa ra quyết định chọn thuê.

Với người lao động, cơ hội nhận được việc làm của họ sẽ cao hơn nhờ hồ sơ minh bạch. Họ cũng có thể nhận được tiền công cao hơn dựa trên số lượng giờ làm việc, bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng đã tích luỹ, cộng với những đánh giá trước đó từ phía khách hàng.

Trái với góc nhìn một chiều của nhiều người khi gắn liền Blockchain với tiền mã hóa, Blockchain là công nghệ lưu trữ, quản lý các hồ sơ giá trị và giao dịch bằng các chuỗi khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian.

Câu chuyện của Genetica và Jupviec là những minh chứng cho tính ứng dụng của công nghệ Blockchain trong thực tế cuộc sống tại Việt Nam. Công nghệ này chính là giải pháp cho những bài toán về quản trị dữ liệu một cách toàn vẹn, minh bạch, có độ tin cậy cao và hiệu quả.

Với sự xuất hiện của ngày một nhiều các startup Make in Việt Nam, công nghệ Blockchain sẽ còn được ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, bán lẻ,... trong thời gian tới.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN