Cần bổ sung ưu tiên cho doanh nghiệp và sản phẩm khoa học công nghệ

Quốc Khánh
Ngày 20/9, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) đã có buổi làm việc với đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nội dung đóng góp ý kiến đối với nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Thay mặt Hiệp hội VST, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch Hiệp hội đã nêu những đề xuất, kiến nghị liên quan đến thi hành Luật Đấu thầu, trong đó nhấn mạnh đến việc đấu thầu của các doanh nghiệp hoạt động về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Hiệp hội VST đề xuất, tại khoản 3 Điều 5, nếu hàng hóa sản xuất trong nước từ 50% trở lên thì lựa chọn phương án ưu đãi từ 12-15% chi phí.

Tại khoản 4, VST đề xuất, sản phẩm đổi mới sáng tạo thuộc danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành được hưởng hệ số ưu đãi 15% thay cho hệ số ưu đãi 7,5% đối với điểm a, điểm b khoản 2 điều này; hệ số ưu đãi 15% thay cho hệ số ưu đãi 7,5% đối với điểm c khoản 2 điều này, trong thời hạn 6 năm kể từ khi sản phẩm lần đầu được sản xuất. Thời hạn của sản phẩm đổi mới sáng tạo theo hiệu lực của bằng độc quyền sở hữu trí tuệ do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Lãnh đạo Hiệp hội VST làm việc với Cục Quản lý Đấu thầu về đóng góp ý kiến đối với nghị định quy định biện pháp thi hành Luật Đấu thầu. Ảnh: Hà Anh.

Đối với khoản 5, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật; Hiệp hội VST lập danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước được ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo này được cập nhật hàng năm. Sản phẩm đổi mới sáng tạo phải đáp ứng điều kiện phù hợp với mục đích sử dụng.

Bên cạnh đó cần bổ sung thêm vào mục b “các công nghệ, sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được các cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Tại khoản 1, Điều 21 về căn cứ lập hồ sơ mời thầu, VST đề nghị bổ sung thêm vào sau mục d “trường hợp nhà thầu có công nghệ và sản phẩm mới sẽ được phép đề xuất phương án thay thế đối với trường hợp mời thầu: một giai đoạn một túi hồ sơ và một giai đoạn hai túi hồ sơ, nhà thầu không nhất thiết phải đề xuất phương án trong hồ sơ mời thầu”.

“Trong hồ sơ mời thầu cần cho phép các nhà thầu có công nghệ và sản phẩm mới được đề xuất phương án thay thế vì khi đề xuất phương án thay thế là có sự vượt trội hơn về công nghệ, chất lượng, về giá, tiến độ. Như thế mới bảo đảm công bằng và cạnh tranh trong đấu thầu. Mục đích của đấu thầu là tìm ra, lựa chọn phương án thay thế tối ưu nhất về giá cả, chất lượng, tiến độ”, Chủ tịch Hoàng Đức Thảo giải thích.

Đối với điểm b, khoản 9, Điều 21 về hồ sơ mời thầu có thể quy định xuất xứ của hàng hóa, Hiệp hội VST đề nghị bổ sung từ “được ưu tiên” vào sau chữ “hàng hóa xuất xứ Việt Nam”. Trường hợp hồ sơ mời thầu có quy định về xuất xứ và không có xuất xứ Việt Nam thì các hàng hóa xuất xứ Việt Nam được ưu tiên xem xét, đánh giá. Đề xuất bổ sung thêm mục e, trong trường hợp hàng hóa của gói thầu là hàng hóa đặc thù, đã được cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ thì trong hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải được sự thỏa thuận của chủ văn bằng độc quyền sở hữu trí tuệ.

Về khoản 11, Điều 131 quy định xử lý tình huống trong đấu thầu, trường hợp sau khi đánh giá, có nhiều nhà thầu được đánh giá tốt nhất, ngang nhau thì xử lý theo thứ tự ưu tiên. Cần bổ sung thêm mục đ “Trao cho nhà thầu có sản phẩm có tên trong danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước được ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điều 5 Nghị định hoặc công nghệ và sản phẩm Khoa học công nghệ, được quy định trong Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 25/1/2019 về việc “Phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025” và Quyết định 38/2020/QĐ/TTg ngày 30/12/2020 về “Ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”; Nghị định 13/2019/NĐCP ngày 11/2/2019 về Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội VST (thứ 3 từ trái sang) đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Anh.

Đóng góp vào quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, ThS, DS Nguyễn Thị Hương Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội VST đề xuất, cần bổ sung ưu tiên đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ và sản phẩm khoa học công nghệ. Bởi vì, doanh nghiệp khoa học công nghệ là đối tượng quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Và có riêng một nghị định về doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là nòng cốt phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra các sản phẩm ưu việt từ nghiên cứu khoa học.

Theo bà Liên, sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ bao gồm: công nghệ sau ươm tạo, hàng hóa, dịch vụ và các hình thức khác là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ dựa trên việc áp dụng, ứng dụng hoặc phát triển kết quả khoa học và công nghệ. Các sản phẩm này được thẩm định qua các hội đồng khoa học của các cấp thẩm quyền, các hội đồng giải thưởng quốc gia như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Giải thưởng Trần Đại Nghĩa; Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; Giải thưởng Kovalevskaia.

Trong quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, trường hợp cần ưu tiên về yếu tố kỹ thuật so với yếu tố về giá, chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ trọng điểm về kỹ thuật và tỷ trọng điểm về giá nhưng bảo đảm tỷ trọng điểm về kỹ thuật không vượt quá 80%.

“Đối với hàng hóa cần yêu cầu kỹ thuật cao, hàng hóa liên quan tới sức khỏe và tính mạng con người như thuốc khi áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu dựa trên kỹ thuật và giá thì cần tăng tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 50-80%, điểm về giá từ 20-50%. Điều này giúp phát triển khoa học công nghệ, người dân được hưởng các sản phẩm tốt, đặc biệt là thuốc điều trị”, bà Liên đề xuất.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN