Cần thước đo để phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhanh và vượt quy mô phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), điều chưa từng xảy ra trước năm 2018. Nhưng theo các chuyên gia, đang có hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”, đặt ra yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển bền vững thị trường này.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những trái phiếu chào bán với lãi suất cao

Tăng trưởng nóng, quy mô vượt TPCP

Theo Bộ Tài chính, nếu cuối năm 2017, thị trường TPDN đạt 6,29% GDP, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP thì giai đoạn 2019-2020, thị trường này đã phát triển bùng nổ: Đạt 10,38% GDP cuối năm 2019 và hết năm 2020, đạt 15,75% GDP, gấp 4 lần quy mô thị trường năm 2016.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, năm 2018 ghi nhận dấu mốc đặc biệt khi quy mô phát hành TPDN thành công vượt qua quy mô phát hành của TPCP.

Nhìn lại năm 2018, TPDN phát hành thành công đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành thành công đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP đạt gần 300.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP khoảng hơn 330.000 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng TPDN phát hành thành công khoảng gần 200.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

“Điều đáng mừng là chúng ta đã khơi thông thêm được một kênh dẫn vốn giúp cho DN đa dạng hóa kênh huy động vốn... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nóng của thị trường TPDN là những rủi ro đáng báo động”, đại diện VBMA nhận định.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Từ đó, dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia rất đông nhưng nhiều khi không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, nên tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, rủi ro của thị trường nằm ở chỗ rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản và không có tài sản bảo đảm nhưng lãi suất rất cao. Các nhà đầu tư phần lớn là cá nhân, ít có khả năng phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó, nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thế, ông Hiếu cho rằng, thị trường này mang tính rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản.

"Nếu trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành thì rủi ro của việc này là khi nhà phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của DN gặp rủi ro cao thì giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị. Việc xử lý tài sản thế chấp là không thể, vậy nên các DN phát hành trái phiếu luôn cần một tổ chức trung gian giám sát để chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Hoàn thiện hàng lang pháp lý

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings (FiinGroup) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, phát hành trái phiếu là cơ hội giúp cho DN tiếp cận được vốn đầu tư phát triển. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát, nếu không có kênh TPDN thì vấn đề vốn đầu tư sẽ trở thành gánh nặng lớn cho ngân hàng. Chỉ tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư TPDN so với dư nợ ngân hàng chiếm khoảng 12%.

Mặc dù khung pháp lý về phát hành TPDN bám sát sự chuyển động và phát sinh của thị trường, nhưng sự phát triển nóng của thị trường TPDN sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân mua TPDN theo "phong trào".

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh nêu đề nghị phải sớm có cơ chế và hệ thống để phát hiện được kịp thời và xử lý những hành vi cố tình không minh bạch, lừa đảo nhà đầu tư.

Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền. Chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là được quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế.

“Cần chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường TPDN cũng căn cứ theo mức độ trục lợi và gây thiệt hại thì các chế tài mới có tính răn đe cao...”, ông Nguyễn Đức Độ đề xuất.

Là chuyên gia từng hoạt động nhiều năm tại các thị trường tài chính phát triển trên thế giới, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thước đo xếp hạng tín nhiệm là một điểm yếu của thị trường TPDN Việt Nam. Do đó, Bộ Tài chính cần sớm đưa ra quy định hoặc đề xuất quy định bắt buộc các tổ chức phát hành TPDN phải xếp hạng tín nhiệm.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để tăng cường kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đầu tư bất động sản, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp.

“Cần đề phòng tình trạng “trá hình” không tính tăng trưởng tín dụng bất động sản mà lại chuyển thành tiền cho mua trái phiếu. Điều này không khác gì việc đang cho vay để tăng lượng tín dụng bất động sản. Nếu dòng vốn tiếp tục đổ nhiều vào bất động sản thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh đi qua”, ông Hoàng Văn Cường cảnh báo.

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) khuyến nghị: Đối với trái phiếu có tài sản bảo đảm nhưng cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường thì rủi ro đối với các nhà đầu tư ở đây là không thể xác định được giá tài sản bảo đảm của cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu đó không có tính thanh khoản trên thị trường, khi DN xảy ra vấn đề, nhà đầu tư sẽ mất vốn.

Theo các chuyên gia, cần có những chính sách tốt hơn về công bố thông tin để nhà đầu tư tránh được rủi ro. Đến năm 2023, các quy định về xếp hạng tín nhiệm mới thể hiện những ràng buộc mang tính pháp lý. Đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để thị trường có thời gian làm quen và có những đánh giá ban đầu về chất lượng của các dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm vẫn còn non trẻ của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, sự tiếp nối của các văn bản pháp lý mới sẽ góp phần tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường này.

Anh Minh - baochinhphu.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN