Châu Á nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính

Quốc Khánh
Theo nhận định của IMF, Việt Nam là quốc gia đã có một số kết quả số hoá ấn tượng và đồng thời còn nhiều tiềm năng về chuyển đổi số.

Từ con số 40% cách đây hai thập kỷ, châu Á đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính. Chuyển đổi số đang càng trở nên quan trọng, giúp tạo ra cú huých cho năng suất châu Á trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Đây là nội dung chính trong báo cáo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á để thúc đẩy năng suất" được Quỹ Tiền tệ Quốc tế(IMF) công bố sáng 10/1. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đã có một số kết quả số hoá ấn tượng và đồng thời còn nhiều tiềm năng về chuyển đổi số.

IMF nhận định các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á được hưởng lợi từ sự lan tỏa và phổ biến của công nghệ. Nhiều nước trong khu vực đang nhập khẩu hàng hoá công nghệ cao nhiều hơn so với mức bình quân của thế giới. Trong đó, Việt Nam thuộc top đầu, chiếm khoảng 27% trong tổng nhập khẩu, cao hơn mức 15% của Thái Lan hay 10% của Indonesia.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Worldbank tại Việt Nam đánh giá: "Việt Nam còn nhiều dư địa để chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Ví dụ, hiện nay mới có khoảng 7,1% doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp chính xác, có nghĩa là sản xuất theo phương pháp định lượng nhờ ứng dụng Internet vạn vật thay vì sản xuất định tính chỉ dựa vào kinh nghiệm. Công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam chủ yếu đến từ nguồn đầu tư nước ngoài FDI, câu hỏi là làm thế nào các bạn đón nhận công nghệ đó rồi xây dựng nó và truyền lại cho các doanh nghiệp nội địa".

chau-a-nam-giu-60-bang-sang-che-ve-cong-nghe-so-va-may-tinh-1-1673632279.jpg
Ảnh: Báo QĐND.

Theo nghiên cứu của IMF, gần 1/2 số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 1/3 số doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế đang phát triển cho biết khó khăn về nguồn vốn là một rào cản chính trong áp dụng công nghệ.

"Chúng ta cần tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý, trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ", bà Antoinette M. Sayeh - Phó Tổng Giám đốc Điều hành IMF cho biết.

IMF cũng nhấn mạnh, song song với đầu tư về cơ sở hạ tầng thì cần chú trọng nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trình độ cao của các doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN