Chuyển đổi số sẽ giúp cảnh báo, phát hiện tiêu cực sớm bằng trí tuệ nhân tạo

Quốc Khánh
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông nhận định, chuyển đổi số sẽ giúp cảnh báo, phát hiện tiêu cực sớm bằng trí tuệ nhân tạo.

Chiều 10/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam”, thu hút hơn 200 đại biểu tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, hội thảo lần này sẽ tập trung thảo luận về kinh nghiệm, giải pháp triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trên cơ sở đó sẽ xác định một số nội dung cụ thể cho chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam giai đoạn tiếp theo….

hoquangbuu-1753-1665443948.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu 


3 trụ cột chính của chuyển đổi số

Ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đưa ra một số dự báo, đến năm 2025 trong quá trình chuyển đổi số.

“Đến năm 2025, 10% người dân mặc các loại áo quần kết nối với Internet. 5% sản phẩm tiêu dùng được in bằng công nghệ in 3D. 10% tổng lưu lượng xe hơi lưu lượng trên đường Mỹ là xe không người lái. Hơn 50% lưu lượng Internet kết nối ở nhà là từ các thiết bị và đồ gia dụng…”, ông Phúc nói.

aphuc-1752-1665443974.jpeg
Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông 


Về các giai đoạn chuyển đổi số, tiến sĩ Phúc thông tin, hiện chúng ta đang trải qua 3 giai đoạn chuyển đổi số đó là: Số hoá thông tin, số hoá quy trình, số hoá tổ chức.

Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Các nhiệm vụ này được ông xây dựng định hướng trên 3 trụ cột chính của chuyển đổi số bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.


Theo ông Phúc, chuyển đổi số có thể giải quyết các vấn đề về ngành kinh tế. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP của tỉnh năm 2022 là 11% đến 2025 là 20% và năm 2030 là 30%.

Cùng với đó, chuyển đổi số sẽ xây dựng được nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, mỗi người dân một bác sĩ riêng; giải quyết một số vấn đề của ngành giáo dục như: Đưa tri thức tốt nhất lên trường học số, hỗ trợ tự học, học sinh học theo trình độ, năng lực…

Chuyển đổi số giảm chi phí logistic 30-50%; quản lý phương tiện giao thông bằng hồ sơ số… Khi chuyển đổi số sẽ thúc đẩy du lịch, giải quyết các vấn đề truyền thống như: Lưu trú số, nền tảng số kết nối nhà hàng, dịch vụ xe chung, dịch vụ trải nghiệm… Người dân dễ dàng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Phát hiện tiêu cực bằng trí tuệ nhân tạo

Cũng theo ông Phúc, với chính quyền số, chuyển đổi số sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính. Nhờ chuyển đổi số, chính quyền có thể đưa ra quyết định kịp thời hơn.

Điều được nhiều người quan tâm, chuyển đổi số giúp làm giảm nhũng nhiễu, tiêu cực. Khi áp dụng chuyển đổi số, từ đây mọi hoạt động chính quyền sẽ được đưa lên môi trường số để giám sát trực tuyến, toàn diện; cảnh báo, phát hiện tiêu cực sớm bằng trí tuệ nhân tạo.

Còn với xã hội số, chuyển đổi số sẽ đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng nền tảng số Việt Nam như: Liên lạc, mạng xã hội, họp tập, giải trí… và hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt trên mọi thanh toán.

Ông Phúc đưa ra nhận định, thách thức của chuyển đổi số, chuyển đổi số làm thay đổi cơ cấu việc làm. Chuyển đổi số nếu không làm tốt sẽ là gánh nặng. Một ví dụ điển hình nếu xử lý văn bản điện tử song song với văn bản giấy làm cho khối lượng công việc tăng gấp đôi.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN