'Công nghệ của startup có thể ứng dụng ngay ở TP Thủ Đức'

Quốc Khánh
Trưởng phòng khoa học công nghệ TP Thủ Đức cho biết, các giải pháp công nghệ của startup như camera AI giám sát xe giúp quản lý giao thông có thể đưa vào ứng dụng ngay.

Phát biểu tại hội nghị "Thúc đẩy nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cho TP Thủ Đức" do Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP-IC) tổ chức sáng 19/10, sau khi nghe nhiều đại diện các dự án khởi nghiệp mong muốn được ứng dụng các sản phẩm cho TP Thủ Đức, ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng khoa học công nghệ cho biết nhiều giải pháp công nghệ hoàn toàn có thể tiếp nhận và ứng dụng ngay.

Tại sự kiện, Lê Yên Thanh, đại diện Phenikaa Mass giới thiệu giải pháp ứng dụng AI trong giao thông. Nhóm dự án đã phát triển một thiết bị AI Box có thể kết nối các camera thường và biến chúng thành camera thông minh. Với camera thường chỉ có chức năng gửi hình ảnh, lưu dữ liệu. Tuy nhiên khi các camera này kết nối với thiết bị AI Box nó sẽ trở nên thông minh hơn với các tính năng như đếm xe, nhận dạng biển số, nhận diện khuôn mặt, phát hiện hướng di chuyển xe...

"Giải pháp do nhóm phát triển sử dụng công nghệ điện toán biên, giúp tiết kiệm chi phí mua băng thông, dễ mở rộng và có thể tận dụng camera hiện hữu", Thanh nói.

6343-1666166374-1666546244.jpg
Lê Yên Thanh (phải) giới thiệu sản phẩm AI Box tại hội nghị, sáng 19/10. Ảnh: Hà An

Với giải pháp này, đại diện Phenikaa Mass mong muốn có thể ứng dụng thí điểm một số khu vực ở TP Thủ Đức giúp cơ quan nhà nước, CSGT quản lý giao thông ở khu vực, phát hiện ùn tắc, hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm giao thông. Từ giải pháp này có thể phát triển bản đồ giao thông thông qua nền tảng do nhóm phát triển.

Theo Thanh, sản phẩm còn có thể ứng dụng tại các cảng của TP Thủ Đức trong việc quản lý thông tin xe container ra vào. Hiện dự án đang thử nghiệm tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) với việc bố trí camera AI giúp đẩy nhanh thủ tục giấy tờ khi ra vào cảng. "Trước đây mỗi xe phải mất 2 - 5 phút cho quy trình này. Khi ứng dụng hệ thống, chỉ mất 10 - 20 giây, giúp giảm tình trạng ùn tắc khi container làm thủ tục trong giờ cao điểm", Thanh nói.

Ở lĩnh vực nước sạch, ông Lê Trung Hiếu, đại diện Ewater giới thiệu giải pháp xử lý nước bằng công nghệ từ trường. Thiết bị này có thể giúp công nhân nhà máy nước xử lý cáu cặn bằng công nghệ, thay vì phương pháp súc rửa truyền thống như hiện nay. Giải pháp sử dụng sóng điện từ bằng cách quấn dây lên đường ống nước. Khi dòng nước chạy qua, sẽ không bị đóng cặn trong lòng ống, giảm tắc nghẽn, ô nhiễm nước trong quá trình hình thành cáu cặn.

Giải pháp được ông Hiếu lắp đặt tại hơn 40 tòa nhà, doanh nghiệp ở TP HCM. "Sản phẩm đã ứng dụng nhiều nơi, cho thấy hiệu quả và chúng tôi mong muốn có thể sử dụng trong ngành cấp nước TP Thủ Đức", ông Hiếu nói.

Tại hội nghị, các startup đang ươm tạo tại SHTP-IC giới thiệu nhiều công nghệ về tiết kiệm năng lượng, bản đồ số cập nhật địa chỉ nhà, phần mềm quản lý chung cư... và mong muốn được tham gia vào các dự án công, cung cấp giải pháp cho TP Thủ Đức.

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh đánh giá cao giải pháp của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông cam kết thời gian tới sẽ có buổi làm việc với từng doanh nghiệp để bàn phương án thí điểm với các giải pháp mới hoặc tiếp tục nhân rộng nếu thành phố đã có sẵn nền tảng.

Tuy nhiên, ông Thịnh mong muốn việc ứng dụng công nghệ cần được chuẩn hóa, đi theo nền dữ liệu chuẩn ngay từ đầu để khi phát triển các giải pháp khác, các nguồn dữ liệu được liên thông với nhau mà không cần phải xử lý lại. "Chúng tôi sẽ cùng với các doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn và Sở Thông tin Truyền thông thực hiện các bước này", ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Nghĩa Hiệp, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM mong muốn SHTP-IC và các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan có những phối hợp tốt để triển khai các dự án công nghệ của startup sớm đi vào thực tế.

2451-1666159145-1-1666546279.jpg
Xa lộ Hà Nội đoạn qua TP Thủ Đức nhìn từ trên cao, năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần

TP Thủ Đức thành lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 với diện tích khoảng 211 km2, có hơn một triệu dân. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Thủ Đức được cho có nhiều điều kiện trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao với ba trụ cột chính gồm: Đại học Quốc gia TP HCM (thế mạnh nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học); Khu công nghệ cao (có doanh nghiệp với hoạt động sản xuất công nghệ cao) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quy hoạch trở thành trung tâm tài chính của TP HCM).

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN