Tại Diễn đàn Chuyển đổi số nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thời điểm hiện nay, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới; dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone) đang thử nghiệm ở các góc độ khác nhau tại hơn 40 tỉnh, thành phố, thử nghiệm ở các băng tần số khác nhau từ băng tần thấp đến băng tần trung và băng tần mmWave, thử nghiệm mô hình SA/NSA, thử nghiệm kỹ thuật, thương mại dịch vụ 5G.
Qua thời gian thử nghiệm 2 năm qua, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, từ phía người sử dụng, những trải nghiệm đầu tiên về tốc độ băng rộng di động thực sự không quá ấn tượng do tốc độ 4G hiện nay tương đối đáp ứng nhu cầu người sử dụng trong xem phim, truyền hình ảnh… Do vậy với những tốc độ vài trăm Mb/s hay Gb/s mà 5G mang lại chưa phải là yêu cầu của thị trường.
Mặt khác, những ứng dụng về mật độ cao hay độ trễ thấp, chưa có những thử nghiệm mang lại kết quả ấn tượng, chưa thấy có nhu cầu từ phía người sử dụng một cách rõ rệt. Đây là thực tế không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới khi triển khai 5G.
Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp, thử nghiệm 5G thực sự có giá trị vì mạng 5G và kinh doanh trên mạng 5G thực sự khác biệt so với triển khai mạng trên các công nghệ 4G, 3G và 2G. Trước đây, triển khai các mạng di động chỉ là nói đến vùng phủ, tốc độ download, upload... nhưng thử nghiệm 5G của các nhà mạng lần này không đơn giản, các nhà mạng phải thử nghiệm về tổ chức mạng lưới, đi theo mô hình NSA – tức là dựa trên mạng 4G hiện hữu hay SA là triển khai mạng 5G hoàn toàn độc lập.
Với cơ quan quản lý nhà nước, từ kinh nghiệm quốc tế, kết quả thử nghiệm của doanh nghiệp, trải nghiệm của người dùng đến những dự báo về nhu cầu của thị trường là những yêu cầu để hoàn thiện các chính sách để 5G phát triển, tạo dựng một môi trường kinh doanh phù hợp với đặc tính của 5G.
Hiện nay, các yêu cầu về dùng chung hạ tầng, dùng chung mạng lưới phần tích cực, dùng chung tần số… vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu nhằm đưa ra các chính sách để tiết kiệm chi phí đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị ‘Make in Vietnam’.
Năm 2023 - thời điểm phát triển mạng 5G
Công nghệ 5G và hệ sinh thái 5G mặc dù đã được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây nhưng ngay cả những nước phát triển nhất về viễn thông trên thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa 5G.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, các nước có tốc độ phát triển 5G nhanh nhất trong năm 2022 đều bỏ ra một nguồn kinh phí lớn nhằm mở rộng vùng phủ sóng 5G. Một số nước có mức đầu tư cho triển khai 5G như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha…. tuy nhiên chưa có nước nào đạt được vùng phủ sóng 5G tuyệt đối cho toàn bộ dân số.
Song, với sự phát triển thuê bao 4G đã đạt mức ngưỡng cao nhất vào cuối năm 2022 và bắt đầu suy giảm trong giai đoạn tới để chuyển dần sang thuê bao 5G, số lượng thuê bao 2G, 3G tiếp tục suy giảm. Điều này cho thấy năm 2023 sẽ là thời điểm cho sự chuyển sang phát triển mạng 5G.
Đa số các nước sẽ lựa chọn áp dụng công nghệ mạng truy nhập vô tuyến mở (Open Ran). Công nghệ này giúp giảm 30% chi phí đầu tư nên nâng cao năng lực cạnh tranh. Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng nhấn mạnh, so với các thế hệ mạng 3G, 4G trước đây, 5G được thiết kế để tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy đổi mới và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh… Do đó, cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng và nhà cung cấp giải pháp cần quan tâm, hợp tác mạnh mẽ để xác định các ứng dụng tiềm năng cùng với các mô hình kinh doanh trên cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G cho giai đoạn đầu và dài hạn của quá trình phát triển 5G.
Cần xây dựng quan hệ đối tác trong hệ sinh thái Use-case 5G
Trong nước, ông Nguyễn Phong Nhã nhận định, có rất nhiều ngành, lĩnh vực mức độ chuyển đổi số và giai đoạn phát triển của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp khác nhau, nhu cầu cũng rất khác nhau và tính cá thể hóa càng khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu của từng ngành, lĩnh vực để phát triển các ứng dụng 5G kết hợp chặt chẽ với đặc điểm và nhu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, dần dần hướng vào một số ngành trọng điểm, sau đó từng bước nhân rộng sang các ngành, lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn ứng dụng 5G đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc nhân rộng và quảng bá các ứng dụng 5G trên quy mô lớn. Do đó, các bộ, ngành, hiệp hội cần phối hợp với các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp để nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ứng dụng tích hợp 5G trong các ngành, lĩnh vực chính như tiêu chuẩn chung cơ bản, tiêu chuẩn thiết bị tích hợp và tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ mới vào 5G như AI, Big Data, IoT,....
Hệ sinh thái 5G không phải chỉ có mạng di động 5G mà còn liên quan đến nhiều công nghệ khác nhau như IoT, Cloud, Big Data, AI,… do đó nếu mỗi doanh nghiệp đi theo cách riêng của mình, kết quả sẽ tạo ra một số lượng lớn các ứng dụng khác nhau, không thể hình thành lợi thế theo quy mô kinh doanh và không thể giảm chi phí R&D. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần chung tay xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái Use-case 5G (nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp giải pháp và nhà sản xuất thiết bị) để nhanh chóng giải quyết nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Viễn thông chia sẻ.