Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Tại TP Đà Nẵng hoạt động này đã có nhiều kết quả tích cực và bắt đầu đi vào chiều sâu. Công tác hỗ trợ của thành phố đã góp phần quan trọng kết nối các thành phần của hệ sinh thái, lan tỏa tinh thần KNĐMST trên địa bàn thành phố, từng bước được hình thành và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố từng bước được phát triển và nâng cao.
Các ý kiến thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, tập trung cụ thể vào các nhiệm vụ, giải pháp như: Hình thành cơ chế chính sách, đội ngũ nhân sự, xây dựng kế hoạch, mục tiêu và tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vốn... Từ những ý kiến thảo luận, có thể đề xuất, lựa chọn các giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và đặc điểm các nhóm ngành đào tạo của mỗi trường.
Bà Hậu cho rằng, các trường đại học nên tập trung nhiều hơn nữa vào lĩnh vực KNĐMST, bởi nguồn nhân lực từ các trường đại học rất lớn. Để làm tốt vai trò đào tạo về KNĐMST đó các trường cần xây dựng một kế hoạch dài hơi, trong đó nội dung cần tham khảo các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của thành phố.
Song song với đó, các trường cũng nên đầu tư vào xây dựng các cơ sở ươm tạo, tạo không gian sáng tạo, ươm tạo cho các bạn sinh viên có cơ hội phát triển dự án khởi nghiệp, thúc đẩy mô hình spin-offs, đưa những mô hình/dự án khởi nghiệp tới các vườn ươm và tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các trường đại học với nhau.
Từ các đầu cầu, các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao và mong muốn Sở KH&CN tiếp tục có nhiều hoạt động bằng nhiều hình thức khác nhau như việc tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến. Từ đó, góp phần thúc đẩy và kết nối trong quá trình phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, hoạt động ươm tạo, tiếp cận các mô hình thành công về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, cao đẳng.
Bà Ngô Thị Hoàng Vân, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết: Thời gian qua Đại học Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các sự kiện liên quan đến KNĐMST như cuộc thi Startup Runway hay Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên lần thứ nhất. Thông qua đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được phát hiện và nhận được hỗ trợ từ nhà trường cũng như các vườn ươm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp ở các trường đại học như khái niệm về khởi nghiệp vẫn còn mới mẻ với một số bộ phận sinh viên, kinh phí cho hoạt động đào tạo còn thiếu, giảng viên được đào tạo về khởi nghiệp còn yếu và thiếu…
Các ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường thêm hoạt động đào tạo kiến thức về khởi nghiệp, tạo cơ sở dữ liệu chung về hoạt động khởi nghiệp, mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư. Có cơ chế phối hợp giữa các trường đại học, các doanh nghiệp khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Cung cấp thông tin về các chính sách, có cơ chế hỗ trợ linh hoạt, cụ thể rõ hơn đối tượng là các sinh viên, các trường đại học, sự kết nối của 3 nhà là nhà nước (Sở Khoa học và Công nghệ), nhà trường (các trường Đại học, Cao đẳng) và nhà doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên.