Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương

Tính đến tháng 5 năm 2021, tổng số lao động lĩnh vực khoa học và công nghệ của các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là 1.554 người.

Tính bình quân, số lao động mỗi Viện nghiên cứu là 120 lao động/Viện. Trong đó, đơn vị có số lao động nhiều nhất là Viện Nghiên cứu Cơ khí với 294 người, tiếp đó là Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim với 226 người; đơn vị có số lao động ít nhất là Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp với 41 người.

Về cơ cấu lao động theo chức năng nghiên cứu và nghiệp vụ, phụ trợ (lao động gián tiếp), trong tổng số 1.554 lao động, số cán bộ nghiên cứu là 1.040 người, chiếm 66,9%; số cán bộ làm công tác nghiệp vụ, phụ trợ là 514 người, chiếm 33,1%. Trong đó, một số đơn vị có tỷ lệ lao động làm công tác nghiên cứu/tổng số lao động cao là Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (95,3%), CTCP Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (83,6%), Viện Nghiên cứu Cơ khí (82,0%), Viện Công nghiệp Thực phẩm (81,9%). Bên cạnh đó, nhiều Viện có cơ cấu lao động chưa hợp lý so với chức năng chính là hoạt động nghiên cứu, tỷ lệ lao động nghiên cứu thấp dưới 70%, tỷ lệ lao động gián tiếp còn cao. Cá biệt, có đơn vị có tỷ lệ lao động nghiên cứu/tổng số lao động rất thấp, chỉ 20,4%. Đồng thời, so sánh với số liệu năm 2018, mặc dù tổng số lao động của các Viện tăng 7% (1.554 so với 1.456), song số lượng lao động làm công tác nghiên cứu lại giảm 7% (1.040 so với 1.111). Thực tế này cho thấy, ngày càng nhiều lao động tại các Viện tham gia vào các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh (theo mô hình công ty, trung tâm trong Viện) thay vì công tác nghiên cứu.

Về cơ cấu cán bộ nghiên cứu theo chức danh, hầu hết cán bộ nghiên cứu của các Viện là nghiên cứu viên (NCV) và tương đương (kỹ sư, cử nhân) với số lượng là 917 người, chiếm tỷ lệ 88,2%. Trong đó, số cán bộ là NCV là 583 người, tương đương tỷ lệ 56,1%, số cán bộ là kỹ sư, cử nhân là 334 người, tương đương tỷ lệ 32,1%. Số lượng nghiên cứu viên chính (NCVC) của các Viện tương đối ít, với tổng số 111 người, chiếm tỷ lệ 10,7%. Số lượng nghiên cứu viên cao cấp (NCVCC) của các Viện rất ít, với chỉ 23 người, chiếm tỷ lệ 2,2%. So với thời điểm năm 2018, số lượng cán bộ giữ chức danh nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên cao cấp đều có sự gia tăng (cụ thể: số lượng NCV là 583 so với 552 vào năm 2018; số lượng NCV chính là 111 so với 65 vào năm 2018; số lượng NCV cao cấp là 23 so với 15 vào năm 2018).

Thực trạng số lượng ít cán bộ tại các Viện giữ các chức danh NCVC, NCVCC có nguyên nhân do trước năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ hầu như không tổ chức các khoá thi nâng ngạch cho NCV; sau năm 2018, việc thi nâng ngạch đi vào quy củ và được tổ chức định kỳ (đây cũng là nguyên nhân chính cho việc tăng số lượng NCVC của các Viện thuộc Bộ từ năm 2018 trở về đây).

Về cơ cấu lao động theo trình độ, trong tổng số lao động của các Viện, số lao động có trình độ từ đại học trở lên là 1.290 người, chiếm tỷ lệ 82,9%. Trong đó, số lao động có trình độ đại học 801 người, chiếm tỷ lệ 51,5%; thạc sỹ là 403 người, chiếm tỷ lệ 25,9%; tiến sĩ là 86 người, chiếm tỷ lệ 5,5%. Số cán bộ có học hàm giáo sư/ phó giáo sư là 13 người, chiếm tỷ lệ 0,8%. So với mức trung bình của các tổ chức KH&CN trong cả nước , cơ cấu cơ cấu lao động nói trên đang cao hơn về tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên, nhưng thấp hơn về tỷ lệ lao động có trình độ tiến sĩ (tỷ lệ trung bình cả nước tương ứng là 74,43% và 8,74%). Điều này cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực KH&CN của các Viện thuộc Bộ còn khá khiêm tốn.

Mặt khác, so với số liệu năm 2018, hiện nay số lượng lao động có trình độ cao của các Viện có xu hướng giảm mạnh ở tất cả các cấp trình độ sau đại học, đặc biệt là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Điều này phần nào phản ánh hiện tượng chảy máu chất xám ở các Viện trong bối cảnh thị trường lao động có sự cạnh tranh ngày càng lớn.

Cơ cấu lao động nghiên cứu theo độ tuổi của các Viện khá cân đối, với lực lượng cán bộ nghiên cứu chủ yếu trong độ tuổi sung sức: 40,8% lao động nghiên cứu trong độ tuổi từ 31 đến 40; 30,3% trong độ tuổi từ 41 đến 50; 12,5% trong độ tuổi trên 50 và 16,4% trong độ tuổi đến 30. Tuổi đời bình quân của lao động ở các Viện tương đối trẻ, từ 37,4 ÷ 41,9 tuổi, trung bình 39,5 tuổi. Đơn vị có tuổi lao động bình quân trẻ nhất là Viện Năng lượng (37,4 tuổi). Đơn vị có tuổi lao động bình quân lớn nhất là CTCP Viện Nghiên cứu Dệt may (41,9 tuổi). Mặt khác, so sánh với số liệu năm 2018, cơ cấu lao động nghiên cứu của các Viện có sự dịch chuyển theo hướng giảm tỷ lệ lao động trẻ (đến 30 tuổi) và tỷ lệ lao động lớn tuổi (trên 50 tuổi), tăng tỷ lệ lao động từ 30-50 tuổi. Qua đó cho thấy, các Viện đang dần thiếu hụt lực lượng lao động có kinh nghiệm lâu năm, đồng thời ngày càng khó khăn trong việc thu hút lao động trẻ nhằm đào tạo lực lượng cho thế hệ kế cận.

Đánh giá chung, nguồn nhân lực KH&CN của các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương có quy mô, số lượng không nhỏ, nhưng chất lượng còn hạn chế, đặc biệt là thiếu các cán bộ nghiên cứu có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học ở mức độ cao nhất (các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp). Nhiều Viện có cơ cấu lao động chưa thực sự phù hợp, tỷ lệ lao động gián tiếp còn cao.

Nguồn:Vụ Khoa học và Công nghệ - moit.gov.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN