Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.
Cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho sự phát triển của thành phố.
Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học và công nghệ cao: cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm đang tăng dần qua các năm.
Ngành nông nghiệp thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao...
Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011-2020, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%.
Đồng thời, trong giai đoạn 2012-2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so cả nước.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần tập trung phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, nhỏ lẻ và tản mạn; tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của thành phố, với xu hướng chung của khu vực và thế giới.
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở trình độ quốc tế.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp...
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp liên quan đến việc xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khoa học và công nghệ có tầm vóc, thu hút sự tham gia của cả khu vực công và tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; các giải pháp thu hút khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Trong đó, đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số.
Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hiện nay rất cần có một khu công nghiệp, một cụm công nghiệp để được hỗ trợ về mặt bằng; cần chính sách thông thoáng hơn cho các nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn...