Đổi mới sáng tạo: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Quốc Khánh
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% mỗi năm, đổi mới sáng tạo đang dần khẳng định vai trò then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia. Ngày 24/03/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với các đơn vị thuộc khối đổi mới sáng tạo, bao gồm Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Cục Đổi mới sáng tạo và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF).

Đây là những đơn vị đầu tiên được Bộ trưởng lựa chọn làm việc trực tiếp sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ KH&CN để hình thành Bộ KH&CN mới. Buổi làm việc diễn ra trong không khí tích cực, với nhiều định hướng chiến lược quan trọng được đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Cách tiếp cận mới về đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về sự cần thiết của một cách tiếp cận mới đối với đổi mới sáng tạo. Theo truyền thống, đổi mới sáng tạo thường được hiểu là quá trình từ khoa học ra công nghệ, từ công nghệ ra chuyển đổi số. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần làm theo cách mới - đó là chuyển đổi số tạo ra môi trường tốt cho đổi mới, tạo ra nhu cầu phát triển công nghệ và đặt ra bài toán về nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng chia sẻ, chuyển đổi số tạo ra môi trường tốt cho đổi mới sáng tạo, tạo ra nhu cầu phát triển công nghệ, đặt ra bài toán về nghiên cứu khoa học. Tức là cần đi từ dưới lên trên nhiều hơn và bắt buộc phải đi ngược lên.

Bộ trưởng cũng cho biết, Luật KH&CN năm 2013 đang được sửa đổi và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 05/2025, trở thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là lần đầu tiên đổi mới sáng tạo được đặt ngang hàng với KH&CN, nhằm đưa đổi mới sáng tạo vào cuộc sống, tạo ra năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mối liên kết giữa KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng, "bộ ba" KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có mối liên kết chặt chẽ. KH&CN là nền tảng tạo ra tri thức và công cụ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển hóa các tri thức, công cụ mới thành ý tưởng và giải pháp để giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số tạo ra môi trường số và công cụ số để hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo thành các sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới và phổ cập vào cuộc sống.

Bộ trưởng khẳng định, KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải nhằm vào mục tiêu cuối cùng là tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Làm rõ các khái niệm về đổi mới sáng tạo

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cùng với lãnh đạo và cán bộ của ba đơn vị làm rõ sự khác biệt giữa các khái niệm ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, startup, ươm tạo công nghệ và chỉ ra nhiệm vụ của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia.

Theo Bộ trưởng, ứng dụng công nghệ hiểu đơn giản chính là "mua về dùng". Việc mua công nghệ về dùng sẽ chiếm đến 80% toàn bộ hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đây là điều dễ làm, có tác động ngay đến nền kinh tế. Chuyển giao công nghệ là việc "mua về dùng" nhưng ở mức độ cao hơn, có thể bao gồm việc đào tạo khả năng tự bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành, thay thế các chi tiết nhỏ, thậm chí giải thích về công nghệ. Đổi mới công nghệ là bước cao hơn nữa, khi "tiêu hóa" công nghệ mua về, cải tiến để tăng năng suất, giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới mà ngay cả người bán cũng không nghĩ ra, tạo thêm giá trị vượt lên để mở rộng đường biên công nghệ. Đổi mới chính là cách giúp gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng từ chuyến thăm một trung tâm điều hành mạng lưới viễn thông đặt tại Ấn Độ. Đơn vị này mua phần mềm trị giá 500 triệu USD của Ericsson, nhưng lại thuê 3 lập trình viên chỉnh sửa, bổ sung tính năng mới để khai thác hiệu quả hơn. Chỉ riêng giá trị những người này sáng tạo thêm đã vượt quá giá trị phần mềm gốc.

Mục tiêu đóng góp vào GDP và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của buổi làm việc là việc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra mục tiêu cụ thể về đóng góp của đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng GDP. Theo đó, KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải đóng góp ít nhất 5% vào mục tiêu tăng trưởng GDP 10% mỗi năm. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 5% đóng góp đó, đổi mới sáng tạo phải đóng góp 3%, chuyển đổi số là 1,5%, KHCN là 0,5%. Đây có thể được xem là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành KH&CN có một mục tiêu đóng góp vào sự tăng trưởng GDP một cách tường minh.

Về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng định hướng hệ sinh thái phải có môi trường, giống như cái nhà và các chủ thể, thành phần sống trong nhà và cách tương tác. Các đặc điểm quan trọng của hệ sinh thái là phải có tương tác, tác động qua lại, liên kết, đồng phát triển. Hệ sinh thái phải có mục tiêu tạo ra giá trị và sự phát triển. Các chủ thể trong hệ sinh thái sẽ phát triển tốt hơn đứng một mình. Khi một chủ thể mạnh lên thì cả hệ sinh thái cùng hưởng lợi. Cần phải định nghĩa hệ sinh thái rồi mới biết cách phát triển hệ sinh thái, xem gồm những đối tượng nào, quá trình tương tác giữa họ thế nào. Nhiệm vụ tạo ra hệ sinh thái này là việc rất quan trọng.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam cần bao hàm nhà nghiên cứu, chuyên gia, cố vấn, nhà tư vấn, doanh nghiệp, người tiêu dùng… Nhà nước sẽ hỗ trợ hệ sinh thái này thông qua chính sách thuế, hỗ trợ vay, vườn ươm và đóng vai trò là hộ tiêu dùng lớn.

Một vấn đề quan trọng khác đặt ra cho các đơn vị là phải đo đếm được những đóng góp của lĩnh vực đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng giao 3 đơn vị: Cục Đổi mới sáng tạo, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ cùng NATIF đánh giá, đo lường hoạt động đổi mới sáng tạo, tìm ra các mô hình, tác động của đổi mới sáng tạo tới việc phát triển kinh tế, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ trưởng chỉ đạo, đây là điều đầu tiên cần làm bởi nếu không đo lường sẽ không thể quản lý được, không biết lĩnh vực tác động ra sao, cần ưu tiên ở chỗ nào và phải đầu tư vào đâu để thúc đẩy sự phát triển.

Chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo

Để thực hiện mục tiêu đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP, Bộ trưởng đề xuất thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong từng ngành, tại từng địa phương, đồng thời thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và cung cấp các khoản vay ưu đãi.

Một giải pháp quan trọng khác là thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia theo mô hình 30% vốn Nhà nước và 70% vốn tư nhân, nhằm huy động tối đa nguồn lực thị trường để hỗ trợ các startup có tiềm năng trở thành kỳ lân.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về vai trò của tiêu chuẩn về công nghệ trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ trưởng khẳng định, đất nước muốn phát triển thế nào thì đề ra tiêu chuẩn thế đó. Tiêu chuẩn sẽ tạo ra không gian để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trao đổi về mối quan hệ "ba nhà" trong KH&CN, Bộ trưởng cho biết, theo quy ước truyền thống là Nhà nước, viện - trường, doanh nghiệp, nay nên quy ước theo cách ngược lại, đó là: doanh nghiệp, viện - trường, Nhà nước. Doanh nghiệp chủ động mang vấn đề đến viện - trường. Khi doanh nghiệp và viện - trường gặp nhau rồi, thò Nhà nước chắc chắn sẽ hỗ trợ.

Điểm sáng mới cho ngành khoa học và công nghệ

Buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với khối các đơn vị đổi mới sáng tạo đã đặt ra những định hướng quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực này. đổi mới sáng tạo không chỉ là một ngành mới mà là yếu tố quan trọng, phải được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng khẳng định, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để kết nối KH&CN vào thực tiễn, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mang lại giá trị thực tiễn mạnh mẽ cho xã hội. Trong khi KH&CN đã được coi là quốc sách, thì đổi mới sáng tạo mới thực sự là yếu tố quyết định để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững trong nền kinh tế.

Đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN phụ trách lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh chia sẻ, sau buổi làm việc, các đơn vị đã được hệ thống lại các công việc, như Bộ trưởng nói là quay lại gốc rễ, từ những điều cơ bản, làm rõ nội hàm, bản chất. Từ đó, xác định được rất nhiều việc cần phải làm. Những nhiệm vụ được giao, các đơn vị sẽ cố gắng thực hiện tốt trong thời gian tới, để nhóm đơn vị đổi mới sáng tạo đạt được kỳ vọng và trách nhiệm như Bộ trưởng giao là tạo ra 3% GDP, đây không phải là con số nhỏ, do đó phải được giải bằng hành động. Với những định hướng chiến lược rõ ràng và mục tiêu cụ thể, đổi mới sáng tạo đang dần trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng GDP 10% mỗi năm trong thời gian tới.

NMK

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN