Đổi mới sáng tạo xanh bao gồm tất cả các loại hình đổi mới sáng tạo góp phần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình quan trọng nhằm giảm tác hại, tác động và suy thoái môi trường đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, đổi mới sáng tạo xanh tại Việt Nam không chỉ là hoạt động theo phong trào mà là những hoạt động ngày càng bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu đem lại nguồn năng lượng phong phú. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt/TTXVN
Bắt kịp thị hiếu tiêu dùng
Hiện nay, tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm... Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là các yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh áp dụng như: Kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh... Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng chủ biên Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” cho biết, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa là bất kỳ hoạt động nào của doanh nghiệp hướng đến giảm tác hại đến môi trường, đưa doanh nghiệp đến sản xuất các hàng hóa thân thiện với môi trường hơn như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả khả năng tái chế các sản phẩm qua sử dụng hoặc tận dụng các vật liệu tái chế, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị; giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn, quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoa Cương nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp. Các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường. Phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có. Do hàm lượng công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản). Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều.
Đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) kêu gọi chính phủ các quốc gia đang phát triển cần tập trung xây dựng hệ sinh thái theo hướng không chỉ thúc đẩy mà còn định hướng đổi mới sáng tạo xanh như tăng cường hỗ trợ cho các chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực xanh, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phức tạp hơn và xanh hơn, tạo nhu cầu tiêu dùng xanh…
Bàn về vai trò của đổi mới sáng tạo xanh trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Bà Đặng Thu Giang, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ- Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho rằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh toàn cầu và trong nước hiện nay.
Bà Đặng Thu Giang cũng đề xuất một số định hướng giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay như: Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý và có sự hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng đổi mới sáng tạo xanh. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra sản phẩm dịch vụ xanh. Tổ chức khoa học và công nghệ chủ động nghiên cứu công nghệ xanh, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh. Các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong hoạch định chính sách để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng đổi mới sáng tạo xanh, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ xanh.
Để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” đã đưa ra khuyến nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và các công cụ chính sách khác.
Đồng thời, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, chuyển đổi xanh. Bên cạnh việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay, cần đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang hoạt động, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển, đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp. Đây là một giải pháp hiệu quả để củng cố sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng dựa trên những ý tưởng và sáng kiến mới.