Đột phá bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bùi Quốc Khánh
Hoạt động khoa học-công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt những kết quả quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội của thành phố, cũng như cả nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học-công nghệ của địa phương này vẫn chưa phát triển xứng tầm.
Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng có hiệu quả khoa học-công nghệ trong cải cách hành chính. (Ảnh THẾ ANH)
Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng có hiệu quả khoa học-công nghệ trong cải cách hành chính. (Ảnh THẾ ANH)

Quận 1 hiện có khoảng 10 nghìn hộ kinh doanh. Năm 2023, Phòng Kinh tế Quận 1 đưa vào hoạt động mô hình “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Webgis) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực tại Quận 1”. Webgis đáp ứng hai yêu cầu: Giúp người dân tra cứu những thông tin cơ bản về thuộc tính (tên hộ kinh doanh, số lượng hộ kinh doanh, địa điểm hộ kinh doanh) và không gian (thống kê tổng quan số liệu hộ kinh doanh thể hiện trên bản đồ số; phục vụ tốt trong công tác quản lý và hỗ trợ các hộ kinh doanh, người dân nhanh hơn, chính xác và minh bạch.

Ông Huỳnh Đăng Khoa, chuyên viên Phòng Kinh tế Quận 1 cho biết: Webgis đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân khi quyết định việc đầu tư trên địa bàn Quận 1, đồng thời phục vụ người dân tốt hơn trong các khâu làm thủ tục hành chính. Mô hình này giải quyết được bài toán quản lý liên thông, chia sẻ, xây dựng kho dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan. Đặc biệt, Webgis vẫn có tính năng mở rộng, nâng cấp để quản lý cho phù hợp yêu cầu thực tiễn phát sinh tại địa phương.

Ủy ban nhân dân Quận 1 đã thí điểm, nhân rộng và triển khai có hiệu quả những mô hình ứng dụng khoa học-công nghệ trong lĩnh vực công, như: Phần mềm đăng ký tuyển sinh đầu cấp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phần mềm khảo sát ý kiến người dân qua hệ thống thiết bị điện tử; xây dựng ứng dụng tư vấn thủ tục hành chính trực tuyến trên nền tảng di động “Quận 1 trực tuyến”; triển khai phần mềm “định danh công dân điện tử” sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động trên tất cả thiết bị máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Quận 1 cũng triển khai mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp tám hệ thống thông minh: Hệ thống camera an ninh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống quản lý đô thị, hệ thống quản lý giáo dục, hệ thống y tế, hệ thống du lịch, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.

Với những kết quả đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, cũng như thương mại hóa sản phẩm khoa học-công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu triển khai (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) đang hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế vào năm 2025.

Đến nay, đơn vị này đã thực hiện thành công 17 đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ cấp nhà nước, bộ và thành phố; gần 100 đề tài cấp cơ sở; công bố hơn 120 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; được cấp 13 bằng sáng chế độc quyền; hỗ trợ thương mại hóa hơn 20 sản phẩm công nghệ cao...

Bước đầu đơn vị đã xây dựng được thương hiệu thông qua hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, thể hiện được vai trò là đơn vị nghiên cứu triển khai hàng đầu về khoa học-công nghệ.

Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trung tâm đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực vi cơ điện tử và mở rộng ra lĩnh vực vi mạch; nhóm nghiên cứu mạnh công nghệ sinh học; có nhiều bằng phát minh, nhiều sản phẩm bước đầu đã được thương mại hóa...

Ba năm gần đây, tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP của thành phố đạt bình quân hơn 47%/năm, trong đó đóng góp khoa học-công nghệ vào tăng trưởng TFP hơn 74%.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ ươm tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm...

Theo công bố của StatupBlink (Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 111 trong 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tốt nhất thế giới.

Tuy được xem là “cái nôi” khoa học-công nghệ của cả nước, nhưng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố chưa tạo được nền tảng để làm đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư của Nhà nước và xã hội cho khoa học-công nghệ vẫn chưa tương xứng, ước tính bình quân giai đoạn 2021-2023 chi đầu tư cho khoa học-công nghệ đạt 0,88%/GRDP.

Thu hút nguồn nhân lực phục vụ khoa học ngày càng tăng nhưng còn thiếu chuyên gia đầu ngành, nhất là trong lĩnh vực vi mạch, công nghệ sinh học, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo... Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng, thời gian tới, thành phố không đầu tư dàn trải mà đầu tư có trọng điểm. Trong đó, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực thành phố đang cần như đô thị thông minh; hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi, ứng dụng những công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; đầu tư vào lĩnh vực y tế...

Đầu tư phải dựa trên những lợi thế của thành phố để tạo ra những “nắm đấm” về công nghệ sinh học, vi mạch bán dẫn, công nghiệp 4.0, nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…

Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 có năm tổ chức khoa học-công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP; tỷ trọng đóng góp TFP vào GRDP đạt từ 50% trở lên. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thật sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội…

Để cụ thể hóa mục tiêu này, trong năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo. Đây là trung tâm kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như trong nước và nước ngoài.

Qua đó, giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng, tạo động lực cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Đồng thời, trung tâm là nơi hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Cũng theo kế hoạch, tháng 9/2024, thành phố đưa vào vận hành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) đóng tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm được kỳ vọng trở thành nền tảng, định hình phát triển các chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ cho thành phố mà còn cho cả nước. Đây sẽ là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau Malaysia và trở thành trung tâm thứ 19 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, trong tương lai, thành phố cũng dự kiến đưa vào hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo. Viện đóng vai trò chủ lực kết nối các trường đại học và khu vực công nghiệp trong tổ chức nghiên cứu, phát triển ứng dụng và đổi mới sáng tạo liên ngành, đa ngành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Qua đó, viện phục vụ trực tiếp các ngành công nghiệp trọng yếu và xây dựng đô thị thông minh, trở thành đơn vị nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo ngang tầm khu vực.

Khi Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo đi vào hoạt động sẽ tạo ra hệ sinh thái nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ, tạo đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

CAO TÂN VÀ TRỊNH BÌNH

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN