Thử nghiệm chip của Neuralink sẽ bắt đầu với bệnh nhân bị thương ở tủy sống. Lịch trình này chậm hơn hai năm so với dự kiến. Thiết bị sẽ cho phép bệnh nhân mất khả năng điều khiển các chi tương tác với thiết bị kỹ thuật số. Nhờ đó, những người bị liệt tay chân có thể đặt hàng, giao tiếp với bạn bè, lướt web trực tiếp bằng sóng não.
Trước đó, Neuralink từng thử nghiệm để một con khỉ chơi video game bằng não hồi đầu năm nay nhưng Musk nhấn mạnh áp dụng thành công công nghệ trên ở người vẫn là một thách thức lớn.
"Neuralink hoạt động tốt ở khỉ. Chúng tôi đã tiến hành nhiều thử nghiệm và xác nhận công nghệ rất an toàn và đáng tin cậy. Thiết bị Neuralink có thể được lấy ra khỏi não", Musk cho biết. "Chúng tôi hy vọng có thể cấy ghép thiết bị cho bệnh nhân bị thương nặng ở tủy sống như người bị liệt tứ chi sau khi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp phép".
Chip Neuralink hoạt động bằng cách cấy điện cực vào vùng não bộ kiểm soát chuyển động tự nguyện, sau đó nối với mạng lưới lớn hơn gọi là Link, phụ trách xử lý, kích thích và truyền tín hiệu thần kinh. Thiết bị sử dụng sạc không dây ở bên ngoài và kết nối không dây với thiết bị cho phép người sử dụng điều khiển mà không cần chạm vào. Theo Neuralink, hệ thống điện cực này tinh vi đến mức công ty phải phát triển riêng một hệ thống robot để cấy thiết bị vào vị trí chính xác.
Neuralink không phải công ty duy nhất phát triển thiết bị giao diện não - máy tính. Hồi tháng 4 năm ngoái, một thiết bị do công ty BrainGate phát triển cho phép bệnh nhân bại liệt điều khiển máy tính bằng trí não và kết quả rất hứa hẹn. Cả BrainGate và Neuralink đều dựa vào kết nối không dây để thiết bị trở nên khả thi hơn trong đời sống hàng ngày.
An Khang (Theo IFL Science)