Hoạt động đo lường ngày càng quan trọng, cấp thiết
Theo TS Cao Xuân Quân - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), ngày 20/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 08/SL quy định hệ thống đo lường áp dụng ở nước ta là Hệ mét. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về đo lường, là nền tảng tạo nên sự trưởng thành của đo lường và quản lý đo lường ở nước ta ngày nay.
Qua thời gian, hệ thống đo lường nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển, góp phần quan trọng đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự, giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng; bảo vệ sức khoẻ và môi trường, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước…; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong hệ thống chuẩn đo lường quốc gia Việt Nam hiện nay có 30 chuẩn đo lường quốc gia thuộc 12 lĩnh vực của Viện Đo lường Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt là chuẩn đo lường quốc gia. Ngoài ra, trong hệ thống đo lường quốc gia còn có các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường thuộc các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, sản xuất, nghiên cứu khoa học.
TS Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam.
Cả nước hiện có hơn 600 phòng thí nghiệm được công nhận hoạt động đo lường, phục vụ đảm bảo đo lường chính xác cho các ngành và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Trình độ chuẩn đo lường được sử dụng trong các phòng thí nghiệm này ở mức chuẩn chính, chuẩn công tác, phương tiện đo có cấp độ chính xác thấp hơn chuẩn đo lường quốc gia.Các phòng thí nghiệm trong hệ thống đo lường quốc gia làm cơ sở kỹ thuật bảo đảm tính thống nhất và chính xác của các hoạt động đo lường trong phạm vi cả nước và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, các chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế đất nước, cũng như nhu cầu tất yếu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế thế giới đã đặt ra những nhiệm vụ ngày càng cao cho hoạt động đo lường. Bởi đây là hoạt động quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp được coi là trọng tâm tạo ra giá trị cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát triển hệ thống đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, và nhiều phép đo (CMCs-MRA) được thừa nhận quốc tế sẽ giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan.
Đề án 996 và mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường hiện đại
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đo lường, để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nhiệm vụ chính của Đề án 996 là hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Đoàn công tác Viện Đo lường Việt Nam đến thăm quan Phòng thí nghiệm của Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ trực thuộc Công ty Phát điện 3 (GENCO3)
Cụ thể theo Đề án 996, đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Đến năm 2030 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường…
“Một trong những mục tiêu quan trọng phát triển hạ tầng đo lường quốc gia giai đoạn đến năm 2025, định hướng 2030 chính là phát triển đo lường Việt Nam đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo lường nhằm huy động đa dạng các nguồn lực đóng góp phát triển hoạt động đo lường…”, TS Cao Xuân Quân cho biết thêm.
Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - most.gov.vn