Hài hòa lợi ích nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu

Bùi Quốc Khánh
Theo chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp cần được hài hòa lợi ích kinh tế khi hợp tác nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

Quan điểm được PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP HCM nêu tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Nam" do Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP HCM, chiều 14/8.

Theo PGS Quốc, doanh nghiệp tạo ra kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cho thị trường. Điều này được ông trải nghiệm từ thực tế trong ngành tự động hóa.

Ông cho rằng, doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, nhưng thiếu đội ngũ nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm đang có. Do đó, "doanh nghiệp cần hợp tác với nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu", ông nói và cho rằng cả doanh nghiệp, nhà khoa học nhận thức được việc này nhưng quá trình thực hiện chưa thành công do nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do lớn nhất là chưa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu.

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP HCM chia sẻ tại hội thảo, chiều 14/8. Ảnh: Hà An

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP HCM chia sẻ tại hội thảo, chiều 14/8. Ảnh: Hà An

PGS Quốc lý giải, phía doanh nghiệp mong muốn nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu phát triển ra sản phẩm mới với chi phí thấp nhất, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Ngược lại nhà khoa học cho rằng, việc đánh giá các sáng chế, giải pháp hữu ích và sự tham gia của họ vào quá trình hợp tác doanh nghiệp cần thỏa đáng. Công sức của nhà khoa học thông qua các tài sản trí tuệ cần được định lượng bằng giá trị vật chất tương xứng, để động viên đội ngũ nghiên cứu. Tuy nhiên nếu tính đúng tính đủ về giá trị kinh tế, trong nhiều trường hợp nằm ngoài tầm doanh nghiệp, nên khó đáp ứng nhà khoa học.

Do đó, ông đề xuất cần thiết có một đơn vị trung gian là các chương trình khoa học của nhà nước. Đây có thể coi là đơn vị có vai trò bù trừ thỏa đáng cho nhà khoa học, để hài hòa lợi ích hai bên. PGS Quốc cho rằng, thực tế nơi nào hài hòa lợi ích giữa nhà khoa học và doanh nghiệp thì sự hợp tác thành công và có các kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ cao, nhìn nhận sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu tại viện trường chưa thực sự mạnh. Do vậy, với Chương trình Công nghệ cao sẽ tăng cường kết nối giữa viện trường và doanh nghiệp trong phát triển công nghệ.

Ông Phong cho biết, Chương trình sẽ tập trung các dự án khoa học công nghệ, sản xuất thử nghiệm nên sự tham gia của doanh nghiệp là bắt buộc. Mặt khác, chương trình cũng không thể thiếu các nhà khoa học đại diện các tổ chức nghiên cứu. Việc phối hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thúc đẩy triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hoàn thiện các bước để thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm.

PGS Phong đánh giá, TP HCM và các địa phương phía Nam là khu vực năng động, có nhiều doanh nghiệp hoạt động và ứng dụng công nghệ cao. "Ban chủ nhiệm chương trình rất chú trọng trong khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đề xuất nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế xã hội", ông nói.

TS Nguyễn Lê Hùng, Vụ phó Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

TS Nguyễn Lê Hùng, phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

TS Nguyễn Lê Hùng, phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chương trình Công nghệ cao ngoài mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng phát triển còn đặt trọng tâm phát triển các hệ thống doanh nghiệp công nghệ cao trong cả nước. Các doanh nghiệp đạt các tiêu chí có thể làm hồ sơ xét chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao để hưởng chính sách ưu đãi.

Lãnh đạo vụ Công nghệ cao mong muốn nhận các đề xuất của nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia chương trình nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình Công nghệ cao) được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 1/2021. Chương trình đặt mục tiêu phát triển và làm chủ 20 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo; phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao...

Hà An

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN