Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, trồng thâm canh và chế biến chè xanh thơm, chè Kim Ngân cho giống chè VN15, PH10, PH12

Bùi Quốc Khánh
Cây chè có vị trí quan trọng đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc Việt Nam, đem lại nguồn thu nhập quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo cho khoảng 4 triệu hộ lao động sống chủ yếu bằng nghề chè. Theo số liệu của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết tháng 12 năm 2019, Việt Nam có 123.000 ha chè, tương đương năm 2018, sản lượng chè búp đạt trên 1,02 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2018; xuất khẩu đạt 136.000 tấn đứng thứ 6 trong 10 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu do chè mang lại chưa cao khoảng 235 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành chè Việt Nam.
4-1686843723.jpg
 

Nguyên nhân của thực trạng trên là do ngành chè Việt Nam chưa có những sản phẩm chè chất lượng cao, thương hiệu đủ lớn, đủ uy tín để cạnh tranh với các sản phẩm chè của các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, v.v... và các sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu ở dạng rời và thô, do vậy giá bán trung bình thấp hơn so với mặt bằng trung bình của thể giới (bằng 70%). Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất chè của nước ta còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nguyên nhân chủ yếu phải kể đến phần lớn giống chè của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu giống chè chưa phong phú, trình độ và mức độ thâm canh trong sản xuất chè còn hạn chế, công nghệ chế biến và thiết bị chưa đồng bộ. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân quan trọng nữa là chưa gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến vì thế sản xuất chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất gặp nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp dư lượng, các độc tố vượt mức cho phép, do sử dụng tràn làn thuốc BVTV và phân hóa học, nguồn nước ô nhiễm, chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Chất lượng chè phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: giống, điều kiện địa hình, đất đai, kỹ thuật canh tác, thu hái; thời vụ, thiết bị và công nghệ chế biến, v.v.. Mỗi sản phẩm chè (chè xanh, chè xanh thơm, chè Ô long, chè đen, v.v.) yêu cầu nguyên liệu, kỹ thuật canh tác và công nghệ chế biến là khác nhau. Giống để chế biến chè xanh yêu cầu nguyên liệu là những búp non, khối lượng búp nhỏ, tỷ lệ cuộng thấp, hàm lượng tanin vừa phải (dưới 30%). Các giống chè khác nhau sẽ yêu cầu các biện pháp kỹ thuật thâm canh khác nhau và trong các kỹ thuật thâm canh đối với cây chè việc sử dụng phân bón, thu hái, che phủ.... là một trong những biện pháp có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và sinh trưởng của cây chè, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, phục vụ chế biến các sản phẩm chè xanh chất lượng cao, chè Ô long.... có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng được thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Hiện nay, việc nghiên cứu công nghệ chế biến là chưa nhiều, các sản phẩm vẫn chỉ tập trung vào hai mặt hàng chính là chè xanh truyền thống và chè đen, gây ra một số lãng phí về nguyên liệu búp tươi, không đáp ứng được mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm dẫn đến thu nhập của người trồng chè không cao. Trong sản xuất, vấn đề định hướng được dòng sản phẩm (loại hình, chất lượng mẫu mã....), mỗi giống chè gắn với một loại sản phẩm đặc trưng, phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng, ở từng thị trường khác nhau, dựa trên các điều kiện về kinh tế, thị hiếu, nhu cầu chất lượng.... để xác định thị trường là việc làm cần thiết. Vì vậy, để tạo ra sản phẩm chè có chất lượng tốt cần phải có một quy trình sản xuất đồng bộ từ giống, kỹ thuật trồng trọt đến thời vụ, thiết bị và công nghệ chế biến, v.v...

Xuất phát từ những lý do trên đây, nhóm nghiên cứu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, do TS. Nguyễn Ngọc Bình đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, trồng thâm canh và chế biến chè xanh thơm, chè Kim Ngân cho giống chè VN15, PH10, PH12để góp phần nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất chè bền vững.

Qua 2 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành các nội dung đúng tiến độ theo hợp đồng và thuyết minh được phê duyệt; kinh phí sử dụng đúng mục đích theo quy định, nguồn đối ứng đảm bảo triển khai dự án.

1. Các sản phẩm dự án đã hoàn thành đủ và vượt yêu cầu cụ thể như sau:

- Về sản phẩm chế biến: Dự án đã chế biến được 1.012 kg chè xanh thơm tăng 101,2% so với kế hoạch (1.000 kg) và 105,7 kg chè Kim Ngân tăng 105,7% so với kế hoạch (100 kg), lợi nhuận tăng lần lượt là 203,93 và 589,18%.

- Dự án đã hoàn thiện 06 quy trình kỹ thuật và được Hội đồng KHCN cơ sở thông qua gồm: Quy trình nhân giống chè VN15, PH10; Quy trình nhân giống chè PH12; Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh giống chè VN15, PH10; Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh giống chè PH12; Quy trình chế biến chè xanh thơm trên giống chè PH10, VN15; Quy trình chế biến chè Kim Ngân trên các giống chè VN15 và PH12. Các quy trình kỹ thuật đơn giản, dễ hiểu, đã được áp dụng vào sản xuất tại doanh nghiệp và các vùng chè cả nước.

- Về xây dựng mô hình nhân giống: Dự án đã sản xuất được 4,6/4,0 triệu bầu chè giống mới đạt tiêu chuẩn xuất vườn và đạt 115,0% kế hoạch đề ra. Toàn bộ cây giống trên đã được phục trồng mới của dự án và hỗ trợ nông dân trồng mới mở rộng diện tích tại các tỉnh.

- Về xây dựng mô hình trồng mới: Dự án đã trồng được 32/30ha chè giống mới đạt 106,7% kế hoạch

- Về xây dựng mô hình thâm canh: Dự án đã thâm canh được 85/80-100ha chè giống mới đạt 106,25% kế hoạch của dự án.

- Đào tạo tập huấn: Dự án đã tổ chức đào tạo được 30 cán bộ kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận và tổ chức được 16 lớp tập huấn với 200 lượt người tham gia hoàn thành 100% kế hoạch.

- Doanh nghiệp Khoa học công nghệ: Dự án đã hoàn thiện xong Hồ sơ thành lập doanh nghiệp Khoa học Công nghệ.

2. Dự án đã hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng thâm canh và chế biến chè xanh thơm, chè Kim Ngân từ nguyên liệu các giống chè mới chất lượng cao:

- Về hoàn thiện công nghê nhân giống:

+ Bón phân cho vườn giống gốc đối với giống chè VN15 và PH10: Nền + (12 g Urê: 20 g Supe lân: 15 g Kali sunphat)/gốc chè cho năng suất hom cao và chất lượng hom tốt nhất. Giống VN15 đạt năng suất 4,5, triệu hom/ha, tỷ lệ hom A đạt 69,1%. Giống PH10 đạt năng suất hom 3,5 triệu hom/ha, tỷ lệ hom A là 64,5%. Đối với giống chè PH12: bón phân ở mức Nền (30 tấn phân chuồng + NPK (3:1:1)) + (12 g ure: 25 g supe lân: 15 g kali sunphat)/gốc) cho vườn giống gốc đạt năng suất cao, chất lượng hom tốt nhất.

+ Tiêu chuẩn chất lượng hom giống cho giống chè PH10 và VN15 thì hom bánh tẻ và hom nâu, cho cây chè sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ xuất vườn đạt cao nhất. Đối với giống VN15 cho chiều cao cây trước khi xuất vườn đạt 26,7 - 27,0 cm, đường kính gốc đạt 0,26 cm và tỷ lệ xuất vườn đạt 92,6 - 93,7%. Giống PH10 đạt chiều cao cây 25,0 - 25,8 cm, đường kính gốc 0,25 - 0,26 cm và tỷ lệ xuất vườn đạt 90,4 - 91,2%. Đối với giống chè PH12 thì hom xanh (thân hom hoàn toàn màu xanh) và hom bánh tẻ (thân hom có tối đa 1/3 đã hóa nâu), cho cây chè sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ xuất vườn đạt cao nhất.

+ Thời gian phân loại bầu cho giống chè VN15, PH10 và PH12 thì tỷ lệ xuất vườn cao nhất ở công thức phân loại sau cắm 200 ngày, với chiều cao cây giống VN15 đạt 26,0 cm, đường kính gốc 0,26 cm và tỷ lệ xuất vườn đạt 92,2%. Giống PH10 với chiều cao cây là 25,2 cm, đường kính gốc đạt 0,25 cm và xuất vườn được 91,5%. Giống PH12 có chiều cao cây 28,67 cm, đường kính gốc đạt 0,30 cm và tỷ lệ xuất vườn đạt 90,02%.

- Về hoàn thiện công nghệ trồng thâm canh:

+ Về phân bón hữu cơ: Khi bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh và bón phân hữu vi sinh Bình Điền cho giống chè PH10, VN15, PH12 có năng suất tương đương nhau. Về điểm thử nếm cảm quan khi bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh có điểm thử nếm cảm quan cao nhất ở sản phẩm chè xanh thơm đối với giống PH10, VN15, 159 số liệu lần lượt là 16,62 điểm (VN15), 16,18 điểm (PH10) và sản phẩm chè Kim Ngân đối với giống VN15 đạt 16,79 điểm; giống PH12 đạt 16,51 điểm, xếp loại khá.

+ Về kỹ thuật hái: Hái búp 1 tôm 3 lá ở giống PH10, VN15 và PH12 cho năng suất cao nhất, số liệu lần lượt là 9,57 tấn/ha, 10,23 tấn/ha và 10,72 tấn/ha. Thử nếm chè xanh thơm, chè Kim Ngân trên giống PH10, VN15, đều có điểm thử nếm cao nhất ở công thức hái nguyên tôm đạt trên 16,0 điểm. Thử nếm chè xanh Kim Ngân trên giống PH12, có điểm thử nếm cao nhất ở công thức hái nguyên tôm đạt 16,60 điểm, xếp loại khá.

+ Về vật liệu tủ gốc: Khi tủ gốc bằng tế guột cho năng suất cao nhất đạt 9,87 tấn/ha tăng 22,42% so với đối chứng (PH10), 10,35 tấn/ha tăng 26,99% so với đối chứng (VN15), đạt 10,21 tấn/ha tăng 19,56% so với đối chứng (PH12) và có hàm lượng tanin thì thấp, hàm lượng chất hòa tan, đường khử, axit amin, hợp chất thơm cao hơn so với tủ rơm rạ, tủ xác cốt khí + rơm rạ. Thử nếm cảm quan sản phẩm chè xanh thơm, chè Kim Ngân trên giống PH10, VN15 đều đạt trên 16 điểm và sản phẩm chè Kim Ngân trên giống PH12 cao nhất là tủ tế guột đạt 16,90 điểm, xếp loại khá.

+ Về che bớt ánh sáng: Khi che 60% cường độ ánh sáng cho giống chè PH10, VN15 thì hàm lượng nội chất trong búp chè có chất lượng tốt nhất. Thử nếm cảm quan sản phẩm chè xanh thơm cho điểm thử nếm cảm quan đạt 16,73 điểm (PH10) và 16,75 điểm (VN15), xếp loại khá.

- Về hoàn thiện công nghệ chế biến.

+ Sản phẩm chè Kim Ngân chất lượng cao từ giống chè PH12, VN15 thì lượng chè nguyên liệu đưa vào tạo hình thích hợp là 2,0 kg /mẻ và nhiệt độ tạo hình thích hợp ở nhiệt độ 70 - 75oC.

+ Sản phẩm chè xanh thơm giống chè VN15 và PH10:

* Héo nắng nguyên liệu đến khi thủy phần giảm 3-4% cho búp lá 1, lá 2 mềm thoáng hương hoa trên cả 2 giống.

* Quay hương với thời gian 10 phút được chia làm 3 lần quay hương cho búp lá 1, lá 2 mềm hơi co ngót, cuộng hơi mềm, hương hoa rõ, bền hương trên cả 2 giống. Các chỉ tiêu về sinh hóa đạt tốt nhất và điểm thử nếm đạt cao nhất do có sự 160 hài hòa về ngoại hình, mầu nước, hương và vị.

* Làm khô chè bằng phương pháp kết hợp sấy + sao + sấy cho kết quả về sinh hóa và thử nếm chè đạt điểm cao nhất.

3. Dự án đã xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới, thâm canh và chế biến từ các giống chè mới VN15, PH10 và PH12:

- Về xây dựng mô hình nhân giống: Dự án đã sản xuất được 4,6 triệu bầu chè giống mới trong đó giống VN15: 1,9 triệu bầu, PH10: 1,3 triệu bầu, PH12: 1,4 triệu bầu đạt tiêu chuẩn xuất vườn và đạt 115,0% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ xuất vườn đều đạt trên 90%, cây sinh trưởng khỏe, không bị sâu bệnh gây hại.

- Về xây dựng mô hình trồng mới: Dự án đã trồng được 32 ha chè giống mới, trong đó giống VN15: 17 ha, giống PH10: 14 ha, giống PH12: 1 ha, tỷ lệ sống sau trồng từ 94,10 - 96,88%. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá.

- Về xây dựng mô hình thâm canh: Dự án đã thâm canh được 85 ha chè giống mới đạt 106,25% kế hoạch của Dự án đề ra. Mô hình thâm canh chè chất lượng cao đạt năng suất trung bình là 12,90 tấn/ha tăng 29,39% so với mô hình sản xuất đại trà. Hiệu quả kinh tế khi áp dụng quy trình mới tăng 43,83% so với sản xuất đại trà.

- Về mô hình chế biến: Dự án đã chế biến được 1.012 kg chè xanh thơm tăng 101,2% so với kế hoạch tổng thể (1.000 kg) và 105,7 kg chè Kim Ngân tăng 105,7% so với kế hoạch tổng thể (100 kg). Khi chế biến chè xanh thơm từ các giống chè VN15, PH10 và chè Kim Ngân từ giống chè PH12, VN15 đều cho lợi nhuận cao so với sản phẩm chè xanh truyền thống đạt tỷ suất lợi nhuận là 203,93% và 589,18%.

Nhìn chung, dự án đã hoàn thành đủ và vượt các sản phẩm theo yêu cầu. Chất lượng các sản phẩm tốt, đáp ứng được yêu cầu khoa học công nghệ và thực tiễn sản xuất. Các quy trình công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất chè bền vững.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18321/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN