Với mục tiêu sử dụng các hợp chất có nguồn gốc từ tự nhiên để điều trị các bệnh về sa sút trí tuệ, các nhà khoa học của Học viện Quân y đã nghiên cứu chiết xuất hoạt chất Huperzine A từ cây Thạch tùng răng cưa và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng.
Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ tạo sinh khối tế bào từ Thạch tùng răng cưa (Huperzia Serrata) để chiết xuất hoạt chất Huperzine A ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm". Nhiệm vụ do Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Thư làm chủ nhiệm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Mới đây, đoàn công tác Bộ Công Thương đã thực hiện thẩm định sản phẩm nhiệm vụ khoa học và công nghệ kể trên.
Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Thư - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi thẩm định
Báo cáo trước đoàn công tác Bộ Công Thương, Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Thư cho biết, nhóm thực hiện đã hoàn thành được 02 sản phẩm theo đúng Hợp đồng với Bộ Công Thương. Cụ thể, nhóm đã sản xuất thành công sinh khối tế bào thạch tùng răng cưa có hàm lượng Huperzine A > 0,008%. Cùng với đó trên 45.000 viên nang mềm thực phẩm chức năng chữa Huperzine A đã được sản xuất thử nghiệm. Viên nang có hàm lượng 200 micro gam/viên đạt tiêu chuẩn cơ sở, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2911/2021/ĐKSP ngày 1/4/2021.
“Viên nang mềm thực phẩm chức năng do nhóm sản xuất có hình thuôn màu nâu đỏ, bên trong chứa hệ phân tán thuốc dạng lỏng. Độ rã của viên nang dưới 30 phút. Về mặt định tính, viên nang có chứa Huperzine A theo phương pháp sắc ký lớp mỏng và phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC)” – Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Thư cho biết.
Sản phẩm HupA giúp hỗ trợ cải thiện trí nhớ do đề tài sản xuất.
Bên cạnh đó, nhóm đã hoàn thành được 02 bản định danh cây Thạch tùng răng cưa mọc ngoài tự nhiên được hội đồng chuyên gia đánh giá đầy đủ, chính xác và khoa học. Các sản phẩm của đề tài gồm hoạt chất Huperzine A , viên nang chứa Huperzine A có đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng đáp ứng theo yêu cầu chung về cảm quan, định tính, định lượng,… và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đăng tải rộng rãi trên 2 tạp chí khoa học uy tín. Về công tác đào tạo, TS. Nguyễn Văn Thư chia sẻ, đề tài cũng đã đào tạo được 02 Thạc sĩ, vượt 01 Thạc sĩ so với kế hoạch. Đặc biệt, mặc dù không có trong Hợp đồng với Bộ Công Thương nhưng đề tài vẫn đào tạo được 01 Tiến sĩ và 06 sinh viên đại học.
Tổ thẩm định tham quan cơ sở vật chất, một số phòng thí nghiệm của Học viện Quân y.
Đánh giá cao những kết quả mà nhóm thực hiện đề tài thực hiện được, PGS.TS Bùi Thị Việt Hà – Thành viên Tổ thẩm định đặc biệt ấn tượng khi nhóm nghiên cứu đã hoàn thành việc đăng ký bản công bố sản phẩm do Bộ Y tế quy định. “Tôi đánh giá đây là một sự nỗ lực rất lớn của nhóm nghiên cứu Học viện Quân y. Điều này cho thấy sản phẩm do nhóm sản xuất đã đủ điều kiện được phép lưu hành trên thị trường” – PGS.TS Bùi Thị Việt Hà nhấn mạnh.
TS. Trịnh Thành Trung – Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội – Thành viên Tổ thẩm định, nhận xét, về cơ bản nhóm thực hiện đề tài đã chuẩn bị hồ sơ đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, để các báo cáo được hoàn thiện hơn, nhóm thực hiện cần bổ sung tài liệu minh chứng về chất lượng sản phẩm, đồng thời chỉnh sửa lại các quy trình công nghệ cho đúng quy cách.
Quang cảnh buổi thẩm định.
Thay mặt Tổ Thẩm định, GS.TS Đặng Thị Thu – Tổ trưởng Tổ Thẩm định nhận định, về cơ bản, đề tài đã triển khai các nội dung bám sát theo tiến độ của thuyết minh, hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương. Kết quả của nhiệm vụ đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất một số thực phẩm chức năng hỗ trợ cải thiện trí nhớ, có chất lượng và giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại. Đồng thời, GS.TS Đặng Thị Thu cũng đánh giá các hồ sơ, sản phẩm đã được nhóm thực hiện đề tài của Học viện Quân y chuẩn bị và thực hiện cẩn thận và kỹ lưỡng. Tổ trưởng Tổ Thẩm định đề nghị chủ nhiệm đề tài và các thành viên nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, chỉnh sửa các báo cáo trước khi tiến hành nghiệm thu cấp quốc gia theo đúng quy định.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 46,8 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ, trong đó phần lớn có độ tuổi từ 60 trở lên và Alzheimer là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sa sút trí tuệ. Để điều trị bệnh Alzheimer, chỉ có khoảng 5 loại thuốc được FDA cấp phép sử dụng là rivasstigmine, galantamine, tacrine, donepezil và memantine. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có tác dụng đối với triệu chứng của bệnh ở một số bệnh nhân và nhiều bệnh nhân không đáp ứng với những thuốc này. Kết quả của nhiệm vụ đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất một số thực phẩm chức năng hỗ trợ cải thiện trí nhớ, có chất lượng và giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại. |
Nguồn:https://khcncongthuong.vn/