9 hệ thống công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19
Cách tiếp cận mới trong phòng chống dịchCOVID-19giai đoạn hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Lấy tấn công là chính, quan trọng, đột phá; phòng ngừa là thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định. Cùng với đó, chú trọng phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch.
Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT mới đây đã giới thiệu với các Sở TT&TT tỉnh, thành phố về hoạt động và sự phối hợp của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia với các địa phương. Được thành lập ngày 4/6, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19là lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 để phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Trung tâm có cơ cấu làm việc linh hoạt, không phải là một tổ chức hành chính, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế.
Thông qua sự hợp tác giữa những chuyên gia đầu ngành của 2 lĩnh vực Y tế và TT&TT và sự góp sức của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia có 2 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Tập hợp lực lượng công nghệ, tri thức; hợp nhất sức mạnh các lực lượng; Tổng hợp dữ liệu, áp dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phục vụ phân tích, xử lý và dự báo tình hình dịch bệnh.
Sau hơn 1 tháng hoạt động, Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19quốc gia đã hợp nhất các lực lượng công nghệ tham gia phòng chống COVID-19và từng bước hoàn thiện các ứng dụng, hỗ trợ một số địa phương thực hiện việc truy vết nhanh các ca nghi nhiễm trong cộng đồng.
Tổng thể các hệ thống ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 gồm có 9 thành phần chính là: Hệ thống khai báo y tế tự nguyện; Hệ thống quản lý thông tin phản ánh của người dân; Hệ thống quản lý điểm kiểm dịch và kiểm soát vào ra; Hệ thống bản đồ nguy cơ dịch bệnh; Hệ thống quản lý truy vết; Hệ thống quản lý xét nghiệm; Hệ thống quản lý và chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Hệ thống quản lý khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống quản lý cách ly.
Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT lưu ý, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19là đầu mối duy nhất cung cấp thông tin phục vụ truy vết các ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ các hệ thống công nghệ phòng chống dịch do Bộ Y tế và Bộ TT&TT triển khai.
Cùng với việc nhấn mạnh lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19ở Trung ương là Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia có nhiệm vụ thiết kế, xây dựng, hoàn thiện các giải pháp công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng việc phòng, chống dịch COVID-19, Cục Tin học hóa đề xuất các địa phương thiết lập lực lượng công nghệ để phối hợp, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp công nghệ.
Lực lượng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương nên là một cơ cấu làm việc linh hoạt, không phải là một tổ chức hành chính, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế; bao gồm các cá nhân là đại diện cho các đơn vị tham gia triển khai những giải pháp công nghệ từ cấp tỉnh, cấp huyện cho đến cấp xã.
Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch COVID-19
Nền tảng quản lý tiêm chủng là nền tảng dùng chung quốc gia đầu tiên hỗ trợ nhiều bộ, ngành địa phương và các bên liên quan cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Theo đại diện Tập đoàn Viettel - đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển thì nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19,Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Đại diện Bộ TT&TT đánh giá, Nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình. Nghĩa là có khả năng quản lý vắc xin từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm; cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vắc xin ở từng cơ sở tiêm chủng.
Hệ thống quản lý tiêm chủng sẽ được triển khai theo 5 bước, đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả. Theo đó, sau khi người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, các Sở Y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng COVID-19đến các Trung tâm Y tế Quận/Huyện. Các Trung tâm Y tế lập kế hoạch và cấp phát vắc xin về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng COVID-19theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế. Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng COVID-19thông qua Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19quốc gia. Hỗ trợ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.
Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022 mới ban hành, Bộ Y tế đã xác định rõ mục tiêu chung là phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm năm 2021 và trên 70% dân số được tiêm hết Quý I/2022 với khoảng 150 triệu mũi tiêm.
Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp công khai, minh bạch thông tin, hỗ trợ quản lý mũi tiêm đến từng cá nhân, cập nhật các phản ứng sau tiêm nhanh chóng. Đặc biệt, hệ thống sẽ giúp giảm thiểu các hoạt động báo cáo thủ công, hỗ trợ dự báo và phân tích nhanh chóng các số liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia về tiêm chủng COVID-19.
Ông Đỗ Trường Duy, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong kế hoạch tiêm chủng mới của Chính phủ nhấn mạnh đến việc ứng dụng toàn trình CNTT để có thể hỗ trợ chiến dịch thành công. Tuy nhiên, muốn ứng dụng CNTT trong chiến dịch thì các địa phương có vai trò rất lớn, nhất là trong việc lập kế hoạch cũng như công tác nhập dữ liệu đầy đủ.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cũng đề nghị các địa phương thành lập Tổ công tác có sự tham gia của Sở TT&TT, Y tế, Trung tâm CDC và các đơn vị liên quan. Tổ công tác này có các đầu mối làm việc đến tận cấp xã. Tận dụng cơ hội này để thực hiện thật nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và nhiều lĩnh vực liên quan. Cụ thể: mỗi người dân Việt Nam có 1 QR code, mỗi người dân có một Hồ sơ sức khỏe điện tử. QR Code của người dân không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân trong dịch bệnh mà nó sẽ phục vụ rất nhiều cho các dịch vụ liên quan đến chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sau này.