Một cuộc khảo sát của OECD với các chuyên gia nghiên cứu và phát triển và những người ra quyết định tại 247 công ty cấp bằng sáng chế cho thấy gần 1/4 (23%) các công ty đã chuyển đổi mục đích những đổi mới trên thị trường, chẳng hạn như dịch vụ internet, truyền thông, vệ sinh và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngay cả khi đó không phải là ngành chính của họ. Một ví dụ minh họa về sự tham gia của doanh nghiệp đó là sự gia tăng mạnh mẽ đăng ký bằng sáng chế tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) về các công nghệ hỗ trợ làm việc tại nhà trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020.
Một hiện tượng khác cũng được quan sát thấy trong những tháng đầu tiên của đại dịch là sự phát triển nhanh chóng của những đổi mới đơn giản để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị y tế và các sản phẩm khẩn cấp khác. Vào giữa tháng 3 năm 2020, một công ty khởi nghiệp ở Ý đã thiết kế phiên bản in 3D của van khẩu trang phòng độc và cung cấp 100 chiếc cho bệnh viện Chiari trong vòng vài ngày. Ngay sau đó, nhóm đã thiết kế mặt nạ trợ thở khẩn cấp bằng cách cải tiến mặt nạ lặn có sẵn trên thị trường của nhà bán lẻ đồ thể thao Decathlon của Pháp. Một số công ty trong lĩnh vực ô tô, hàng không hoặc hàng tiêu dùng đã chuyển đổi một phần mục đích sử dụng dây chuyền sản xuất để sản xuất thiết bị y tế khẩn cấp, chẳng hạn như máy thở và thiết bị phòng độc, khẩu trang, tấm che bảo vệ mặt và nước rửa tay.
Các công ty khởi nghiệp trong khu vực đại học cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc giải đáp các nhu cầu tức thời do thách thức sức khỏe COVID-19 đặt ra. Zentech, một công ty công nghệ sinh học được thành lập năm 2001 với tư cách là một đơn vị con phái sinh của Đại học Liege, đã phát triển sản phẩm “QuickZen” - một bộ xét nghiệm kháng thể dành cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. AdaptVac, liên doanh giữa ExpreS2ion Biotech và NextGen – đơn vị tách ra của Đại học Copenhagen, phát triển một loại vắc xin chống lại COVID-19. Trong lĩnh vực công nghệ, công ty khởi nghiệp Azimov Robotics7 của Ấn Độ đã phát triển robot để phục vụ bệnh nhân COVID-19 (ví dụ: mang thức ăn và thuốc cho bệnh nhân, thực hiện khử trùng và cho phép gọi video giữa bác sĩ và bệnh nhân).
Đại dịch COVID-19 là động lực chính của chính sách công. Chừng nào cuộc khủng hoảng vẫn còn, các chính phủ sẽ buộc phải duy trì và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xác định và thực hiện các giải pháp cho cuộc khủng hoảng y tế. Các chính phủ đã và đang cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ cho hoạt động đổi mới doanh nghiệp, do họ nhận thấy sự cần thiết phải thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tham gia trong việc chống lại đại dịch.
P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD