Liệu khẩu trang ướt có ngăn chặn được sự xâm nhập của các giọt bắn đường hô hấp?

Sau khi nghiên cứu hiệu quả của các lớp khẩu trang trong việc ngăn chặn các giọt bắn đường hô hấp thoát ra khỏi khẩu trang, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế hiện đang chú ý đến việc mô hình hóa những gì xảy ra với các giọt bắn khi chúng tiếp xúc với khẩu trang ướt. Kết quả cho thấy khẩu trang ướt vẫn có tác dụng ngăn những giọt bắn thoát ra khỏi khẩu trang và được nguyên tử hóa thành các hạt sol khí nhỏ, dễ lan truyền hơn.

Nghiên cứu này chỉ khảo sát ảnh hưởng của khẩu trang ướt đối với sự xâm nhập của giọt bắn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mọi người nên tuân theo hướng dẫn y tế công cộng để thay khẩu trang nếu nó bị ướt, vì khẩu trang ướt gây khó thở, lọc không khí hít vào kém hiệu quả và có thể thông hơi xung quanh mép khẩu trang nhiều hơn khẩu trang khô.

Mặc dù hiệu quả của các loại khẩu trang khô đã được khám phá, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện về khẩu trang ướt. Tuy nhiên, người dùng đeo khẩu trang trong thời gian dài và trong thời gian này, bề mặt của khẩu trang bị ướt do các giọt bắn tiết ra từ quá trình thở, ho, hắt hơi…”, nhóm kỹ sư tại trường Đại học California, Viện nghiên cứu Ấn Độ, và Đại học Toronto nói.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khẩu trang ướt thực sự khiến những giọt bắn đường hô hấp khó xâm nhập và thoát ra do vỡ vụn thành các hạt sol khí nhỏ hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những hạt sol khí nhỏ này có nhiều khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 do tồn tại trong không khí lâu hơn những giọt lớn rơi xuống đất. Khi lập mô hình vật lý để lý giải điều này, họ đã phát hiện ra hai cơ chế rất khác nhau đối với khẩu trang kỵ nước giống như khẩu trang phẫu thuật thông thường, so với khẩu trang ưa nước như khẩu trang vải.

Để nghiên cứu chính xác độ ẩm tác động đến sự xâm nhập của giọt bắn đường hô hấp, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các giọt bắn giả bằng cách sử dụng một ống bơm tiêm, từ từ đẩy chất lỏng qua kim tiêm và lên một trong ba loại vật liệu dùng làm khẩu trang: khẩu trang phẫu thuật và hai loại khẩu trang vải có độ dày khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại những gì đã xảy ra khi các giọt bắn rơi vào khẩu trang bằng cách sử dụng một máy ảnh tốc độ cao ghi lại tác động ở tốc độ 4.000 khung hình/giây và tiếp tục nghiên cứu khi khẩu trang bị ướt.

Họ phát hiện ra rằng những giọt bắn nhỏ từ một tiếng ho hoặc hắt hơi phải di chuyển với vận tốc cao hơn mới xuyên qua được khẩu trang ướt, khi so sánh với khẩu trang khô. Trên khẩu trang kỵ nước có độ hấp thụ thấp như khẩu trang phẫu thuật, các giọt bắn đường hô hấp tạo thành các hạt nhỏ trên bề mặt khẩu trang, tạo thêm lực cản các giọt va đập để chống lại sự xâm nhập.

Khẩu trang vải ưa nước không thể hiện như vậy. Thay vào đó, khẩu trang vải sẽ hấp thụ chất lỏng, với khu vực bị làm ướt sẽ lan rộng ra khi khẩu trang hút nhiều chất lỏng hơn. Bề mặt xốp của khẩu trang vải chứa đầy chất lỏng, do đó, các giọt bắn cần đạt thể tích chất lỏng lớn hơn để thấm vào khẩu trang. Do lực cản bổ sung này, nên sự thâm nhập yếu hơn.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận khẩu trang ướt có khả năng hạn chế các giọt bắn tốt hơn khẩu trang khô.

N.P.D (NASATI), theo https://scitechdaily.com/covid-19-how-well-do-damp-masks-work-to-contain-droplets/, 28/11/2021

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN