Luật Khoa học và Công nghệ 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do vậy, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cập nhật những vấn đề mới của khoa học và công nghệ trong nước và thế giới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.
Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất 8 nhóm chính sách trong quá trình sửa đổi. Đó là, đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ; phát triển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với hiệu quả; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 8 chính sách này có mục tiêu bao quát hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cả 3 trụ cột chính của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và phổ biến tri thức.
Về tên Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra hai phương án: Phương án 1: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); phương án 2: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bộ đề xuất phương án 2 để phù hợp với việc mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, một trong những “điểm nghẽn” khiến kết quả nghiên cứu khó ra thực tiễn liên quan đến hành lang pháp lý. Trong đó, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cùng nhiều luật liên quan chưa chấp nhận việc các nhà khoa học nghiên cứu mà không cho ra kết quả. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cần thời gian dài, phải từ 10-20 năm, mới đưa được vào cuộc sống, do đó nếu chỉ đánh giá kết quả thương mại hóa trong 1-5 năm, chưa thực sự đầy đủ.
Về tăng cường nguồn nhân lực cho nghiên cứu và phát triển, dự thảo Luật dự kiến tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/một vạn dân. Đây là giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học và công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.
Về nội dung đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh; đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để đồng bộ các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các chính sách tài chính hiện có, nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính...
Đặc biệt, dự thảo Luật sẽ cân bằng giữa hoạt động khoa học và công nghệ với những yêu cầu pháp luật về tài chính, như: Đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công...