Máy sản xuất gạch tự ghép ứng dụng công nghệ ép tĩnh thủy lực và đất hóa đá từ đất đồi

Hàng trăm năm trước, khi chưa có vật liệu sử dụng trong xây dựng như xi măng thì ông cha ta đã sử dụng một thứ vữa được chế bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu mang đặc thù của địa phương. Ví như ốc vặn đốt thành than luyện với vỏ cây dè rớt, hoặc dùng mật luyện kỹ với vôi vỏ sò. Vùng Nghệ An dùng vỏ hến rây kỹ, trộn cát, thâm mật xấu, giấy bản ngâm ướt hay rơm nếp và trộn với nhựa lá cây bớt lời. Mật, đường lấy từ mía, người ta đã làm một chất dẻo để nặn phù điêu rồng phượng, hoa đá trang trí những cột trụ hay hình lưỡng long chầu nguyệt ở chùa để xây dựng nên nhiều công trình trường tồn theo thời gian như Văn Miếu Quốc tử giám, Tháp Chàm Pô Klong Garai ở Phan Rang, tháp Ponagar ở Nha Trang…

Với những hỗn hợp được xử lý kỹ và pha trộn thủ công như vậy đã tạo nên những viên gạch không nung có tuổi thọ và độ bền cao bởi bề mặt được cứng hóa do tác dụng với khí CO2 trong không khí tự nhiên. Càng để lâu, lớp cứng hóa này càng thẩm thấu sâu vào trong viên gạch giúp gạch được cứng hơn nữa và trường tồn trước những tác động của thời tiết và thời gian.

Hình 1. Tháp chàm Chămpa sử dụng gạch đất không nung

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại với sự phổ biến của vật liệu xây dựng là xi măng, gạch nung… đã làm cho nhân loại mai một đi những bí quyết công nghệ mà cha ông đã sáng tạo ra và truyền đời để lại. Tuy nhiên vẫn có những con người say mê nghiên cứu những kiến thức công nghệ cổ, muốn tìm lại và tái hiện những công thức xưa về các loại vật liệu xây dựng cổ, nhằm tạo ra những hỗn hợp vật liệu để sử dụng phục vụ cho công việc phục chế, trùng tu các công trình xưa đã bị tàn phá. Công nghệ đất hóa đá dựa trên nguyên lý cacbon hóa đất đồi đã được triển khai trên thực tế nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Một nguyên nhân quan trọng là chưa có dây chuyền công nghệ để có thể bình dân hóa, tạo thành sản phẩm thương mại.

Hình 2. Các mẫu gạch từ máy ép gạch

Trăn trở với những khó khăn trong việc phổ biến công nghệ đất hóa đá rất tiềm năng của nước ta, một bí quyết của cha ông để lại, các kỹ sư của Công ty Hồ Hoàn Cầu (tại Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã quyết tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thương mại hóa dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung tự ghép từ đất đồi, áp dụng công nghệ đất hóa đá (Công nghệ đất hóa đá sản xuất gạch không nung từ đất sét tạp dựa trên thiết bị sản xuất gạch tuynel truyền thống, đây là công nghệ polymer vô cơ từ khoáng sét hay công nghệ Geopolymer được phát triển từ Pháp, Mỹ và các nước tiên tiến khác. Nguyên tắc của công nghệ đất hóa đá là biến khoáng sét thành xi măng kết dính nhưng không qua công đoạn nung đốt) để tạo thành những viên gạch đất tự ghép nhiều kiểu dáng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Hình 3. Mô hình công nghệ máy ép gạch

Máy ép gạch không nung đề cập ở trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002682 công bố ngày 14/07/2021.

Loại gạch làm từ máy ép gạch này có các lỗ để đổ bê tông, làm nhẹ viên gạch và có các gờ để khóa cài vào nhau. Gạch sau khi được ép thành viên sẽ được đưa ra lưu hóa trong 7 ngày có thể được sử dụng để xây tường nhà mà không cần qua công đoạn nung, đốt để gia cố tới độ chịu lực cao. Gạch tự ghép này có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt, không nung, nguyên liệu đa dạng, phổ biến và rẻ tiền.

Hình 4. Một số ứng dụng xây tường

Đây là một dòng sản phẩm mới, rất phù hợp với điều kiện thời tiết nhiệt đới tại Việt Nam, tận dụng được nguồn nguyên liệu đất đồi phổ biến giá rẻ, gạch có thể tự gài nên tiết kiệm được thời gian thi công, lượng bê tông gia trát, đem lại cho chủ đầu tư một khoản tiết kiệm lớn cho mọi công trình. Đặc tính của gạch giúp các công trình chống chịu lâu dài với thời gian, “mát về mùa hè - ấm về mùa đông”, rất thích hợp để xây các công trình Resort nghỉ dưỡng, tu sửa các công trình kiến trúc cổ, đình chùa… với nhiều mẫu mã trang trí đẹp mắt, thẩm mỹ và có tiềm năng thương mại hóa rất lớn.

Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ - most .gov.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN