Matt Murray, một quan chức cấp cao của Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà chính phủ Mỹ đang quan tâm. Và chính phủ Mỹ đã rất ưu tiên việc trao đổi và đối thoại với các quốc gia trên thế giới về chuỗi cung ứng chất bán dẫn để cải thiện tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang xảy ra.
Ông Murray cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome vào cuối tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã thảo luận về tầm quan trọng của khả năng phục hồi chuỗi cung ứng nói chung và chất bán dẫn nói riêng, cũng như các vấn đề quan trọng khác với các nhà lãnh đạo thế giới.
|
Mỹ làm gì để giảm bớt cuộc khủng hoảng về chất bán dẫn? |
Chuỗi cung ứng về chất bán dẫn, vi mạch đóng vai trò rất quan trọng trong mọi sản phẩm điện tử, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh về máy tính xách tay và máy chơi game trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, khi mọi người buộc phải ở nhà do chính phủ các nước áp dụng lệnh phong tỏa.
Bên cạnh đó, doanh số bán ô tô tăng trở lại nhanh hơn dự kiến trong quý 3 năm ngoái đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn.
Gần đây, các cảng lớn của Mỹ ở Los Angeles và Long Beach đã xảy ra tình trạng tồn đọng hàng hóa khiến việc vận chuyển hàng hóa đến điểm đến cuối cùng tiếp tục bị tắc nghẽn.
Sự tham gia quốc tế là trọng tâm trong chiến lược chuỗi cung ứng của Tổng thống Biden. Ông đã ban hành một lệnh hành pháp vào đầu năm nay để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác và đồng minh về khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng.
Theo đó, để bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu Mỹ cần đảm bảo rằng, “các đồng minh và đối tác phải xác định và ưu tiên các hàng hóa và nguyên liệu quan trọng”.
Nhà Trắng đã công bố một báo cáo vào tháng 6 năm nay về việc giải quyết các vấn đề tổng thể của chuỗi cung ứng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “làm việc với các đồng minh và đối tác để giảm các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bao gồm cả việc khuyến nghị Tổng thống tổ chức một diễn đàn để giải quyết những vấn đề này.
Thomas Duesterberg, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington đồng thời là cựu trợ lý về chính sách kinh tế quốc tế tại Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Đài Loan sẽ cần trở thành một phần quan trọng hơn trong giải pháp chuỗi cung ứng và Mỹ phải ủng hộ sự đi đầu của hòn đảo này trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Thomas Duesterberg nói: “Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu thế giới, ít nhất là về khả năng chế tạo chất bán dẫn. Và Đài Loan, thông qua các khoản đầu tư lớn, đã trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu. Việc cho phép Đài Loan tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp củng cố vị thế đó”.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chính phủ tham gia với khu vực tư nhân trong lĩnh vực bán dẫn, ông Matt Murray cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có các cuộc thảo luận với các nhà sản xuất và chế tạo chất bán dẫn.
Ông nói: “Nhiều chuỗi cung ứng của chúng tôi gần như hoàn toàn do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, nhưng chính phủ có thể đóng vai trò chủ chốt, xác định các rủi ro trong chuỗi cung ứng và tập hợp các tác nhân khác nhau lại với nhau”.
Chẳng hạn, Nhà Trắng đã triển khai một hệ thống cảnh báo sớm liên cơ quan về việc ngừng hoạt động liên quan đến Covid-19 cho các cơ sở sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt tập trung vào Đông Nam Á. Hệ thống giúp phát hiện sớm những gián đoạn tiềm ẩn để phối hợp với các đối tác thương mại trong khu vực tư nhân nhằm giảm thiểu tác động.
Các đại sứ quán Mỹ ở Đông Nam Á đang đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này, đặc biệt là ở Kuala Lumpur, Hà Nội, Jakarta và Bangkok.
Cũng là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trong tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra yêu cầu đối với các bộ phận của chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, người tiêu dùng và các bên trung gian, tự nguyện chia sẻ thông tin và giải quyết các nút thắt về chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Phan Văn Hòa(theo SCMP)
Theo: vietnam.net