Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, kỹ thuật và kết quả sau hơn 10 năm thành lập Nafosted

Quốc Khánh
Ngày 15/08/2023, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia (Nafosted) đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2023 và gặp mặt các thành viên hội đồng khoa học. Hội nghị nhằm đánh giá và ghi nhận những đóng góp tích cực của các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Khoa học cơ bản là nền tảng cho KH&CN

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển khoa học cơ bản vì khoa học cơ bản là nền tảng cho KH&CN của mỗi quốc gia. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 cần “Tăng cường nghiên cứu cơ bản, quan tâm nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế...”. Trong giai đoạn hiện nay, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt nêu trên, tiếp tục khẳng định rằng cần “quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”.

Với những định hướng cụ thể, Chính phủ đã thành lập Nafosted - là một cơ quan tài trợ khoa học trực thuộc Bộ KH&CN, hoạt động theo thông lệ quốc tế với Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản là một trong những chương trình tài trợ trọng tâm. Trong hơn 10 năm qua, Nafosted đã tài trợ hàng nghìn đề tài nghiên cứu cơ bản có chất lượng cao, từ đó thúc đẩy phát triển lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản trình độ cao khắp cả nước, đặc biệt thu hút các cán bộ nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản ở các nước phát triển trở về làm việc, từ đó đưa khoa học cơ bản của Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Đóng góp tích cực của các Hội đồng khoa học

Để đạt được kết quả này, các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhiệm kỳ 2019-2022 đã có nhiều đóng góp quan trọng. Các thành viên trong từng Hội đồng khoa học đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo việc đánh giá khoa học được thực hiện khách quan, chất lượng (1.118 hồ sơ đánh giá xét chọn, 1.409 lượt đánh giá định kỳ, 844 đề tài được nghiệm thu, 861 công bố trên các tạp chí WoS uy tín, 1.623 bài báo quốc tế uy tín). Nhiều chính sách liên quan đến nghiên cứu cơ bản nói riêng, nghiên cứu khoa học của Việt Nam nói chung đã được các Hội đồng khoa học đề xuất, góp ý và tư vấn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Nafosted Nguyễn Hoàng Giang đã ghi nhận những đóng góp của thành viên các Hội đồng. Thứ trưởng yêu cầu cơ quan điều hành Nafosted khẩn trương xem xét đóng góp của các đại biểu, sớm sửa đổi chính sách quản lý, điều hành nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp. Thứ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN luôn đồng hành và tạo điều kiện cho Nafosted hoạt động, đặc biệt hỗ trợ cơ chế tài chính cho các nhà khoa học.

Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhiệm kỳ 2019-2022, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gửi đến thành viên các Hội đồng khoa học lời cảm ơn chân thành nhất vì những đóng góp quan trọng, tâm huyết và trách nhiệm để khoa học cơ bản của Việt Nam đạt được nhiều thành tích to lớn và tiếp tục phát triển theo định hướng đặt ra trong các năm tiếp theo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị trong thời gian tới, Nafosted và các đơn vị chức năng cần lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu nâng cao hơn nữa chất lượng kết quả của các đề tài nghiên cứu cơ bản được Nafosted tài trợ, ưu tiên các đề tài có tính đột phá, đẩy mạnh hoạt động tài trợ, hỗ trợ đối với các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, qua đó gia tăng hiệu quả của Chương trình tài trợ.

Thứ hai, Nafosted cần nhanh chóng đề xuất sửa đổi các quy định quản lý Chương trình nghiên cứu cơ bản phù hợp với đặc thù của loại hình nghiên cứu này theo thông lệ quốc tế, nhằm đảm bảo tính thời sự của hồ sơ đề xuất, chấp nhận độ trễ và tính rủi ro đối với kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh khoán chi, chuyển dần từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thứ ba, hỗ trợ hiệu quả Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp nghiên cứu, thúc đẩy khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế, Nafosted cần có phương án triển khai mạnh mẽ chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sỹ, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài, hỗ trợ các nhà khoa học tham dự các hội nghị, hội thảo khoa ở nước ngoài, tổ chức các hội thảo chuyên ngành quốc tế tại Việt Nam...

Thứ tư, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động của Nafosted, tiếp tục điều chỉnh chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Quỹ hoạt động. Tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quy mô các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Nafosted đã được chứng minh hiệu quả nhằm khơi thông và phát huy mạnh mẽ nguồn tài nguyên tri thức vô hạn của các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN của Việt Nam, qua đó đóng góp và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng cho đất nước.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN