Nghiên cứu, đánh giá thực trạng các mô hình làm cơ sở đề xuất chính sách cho thuê môi trường rừng ở Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tài nguyên rừng (khoảng trên 2 triệu ha rừng đặc dụng; 4,5 triệu ha rừng phòng hộ và trên 6,7 ha rừng sản xuất) (Cục kiểm lâm, 2015). Theo kết quả nghiên cứu tổng quan và thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, rừng có nhiều giá trị khác nhau về cả giá trị sử dụng (trực tiếp, gián tiếp) và giá trị phi sử dụng. Hiện nay, việc khai thác các giá trị của rừng mới tập trung vào giá trị sử dụng trực tiếp, chưa khai thác được giá trị sử dụng gián tiếp (giá trị dịch vụ môi trường rừng). Tổng quan nghiên cứu cho thấy, giá trị sử dụng gián tiếp của rừng chiếm từ 60 -80% tổng giá trị kinh tế của rừng tạo ra. Sự nhận định về gía trị của rừng không phù hợp, sự xác định giá trị dịch vụ môi trường rừng (MTR) chưa chính xác và sự định giá quá thấp đối với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ cung ứng bởi rừng ở cấp địa phương, vùng, quốc gia và toàn cầu đã được thừa nhận là một trong những nguyên nhân của sự thất bại trong quản lý rừng bền vững, đồng thời nó cũng góp phần gây ra sự mất rừng, suy thoái rừng và sự chuyển đổi rừng sang các loại hình sử dụng đất khác. Như vậy, ngoài giá trị sử dụng trực tiếp rừng còn có nhiều giá trị khác như giá trị sử dụng gián tiếp và giá trị phi sử dụng mà giá trị này có nhiều tiềm năng về lợi ích kinh tế.

Việc khai thác dịch vụ MTR theo từng loại rừng là rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị của rừng, tạo nguồn thu để đầu tư lại cho bảo vệ và phát triển rừng, giảm sự đầu tư của Nhà nước, quan trọng hơn là thay đổi nhận thức về vai trò và giá trị nhiều mặt của rừng. Trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2006 – 2020 xác định mục tiêu giá trị dịch vụ MTR và DLST tăng từ 250 triệu USD năm 2010 lên 500 triệu USD năm 2015 và 2000 triệu USD năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi phải xác định được các loại dịch vụ MTR cho từng loại rừng và xây dựng các cách thức để khai thác các giá trị đó cho phù hợp với từng loại rừng cụ thể. Tuy nhiên, với mỗi loại rừng khác nhau phải có phương án sử dụng khác nhau, có định hướng khai thác giá trị dịch vụ MTR và có chính sách cụ thể của Nhà nước nhằm khai thác hợp lý, bền vững những giá trị của rừng. Đặc biệt từ năm 2016, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, thì nguồn thu từ dịch vụ MTR là nguồn thu thay thế quan trọng đối với loại rừng này. Trong Luật lâm nghiệp 2017 cũng có sự thay đổi trong xác định chức năng của rừng, mỗi loại rừng có chức năng khác nhau (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) nhưng đều có điểm chung là đều có thể kết hợp kinh doanh DLST; nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng DVMTR (trừ khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng không được KDDV nghỉ dưỡng, giải trí).

Bên cạnh đó, để thực hiện cho thuê môi trường rừng đang gặp một khó khăn rất lớn đó là xác định giá thuê, tuy nhiên lợi ích do rừng mang lại rất đa dạng với nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Giá thuê môi trường rừng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố rất quan trọng là xác định phương pháp lượng giá thích hợp. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, chưa có những quy định cụ thể về phương pháp lượng giá dịch vụ môi trường rừng nên chưa xác định được giá cho thuê nên gây cản trở rất lớn trong quá trình thực hiện. Một trong những cơ sở khoa học quan trọng để xác định được mức giá cho thuê môi trường rừng là phải lượng giá được giá trị môi trường rừng đối với từng loại rừng và từng loại hình dịch vụ môi trường khác nhau. Mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề lượng giá dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam, tuy nhiên những công trình này chỉ phản ánh giá trị môi trường rừng từng mặt một cách rời rạc. Chưa hệ thống hóa được phương pháp lượng giá phù hợp cho từng loại rừng và từng loại hình dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, hoàn toàn chưa có những quy định về khung xác định giá cho thuê môi trường rừng. Hiện nay, phương pháp xác định giá thuê rừng và thuê môi trường rừng không có sự tách biệt rõ ràng. Vì vậy, đề nghiên cứu sẽ kế thừa những kinh nghiệm về lượng giá giá trị DVMTR và xác định giá cho thuê DVMTR thế giới, thử nghiệm một số phương pháp với điều kiện ở Việt Nam, làm cơ sở đề xuất phương pháp lượng giá và xác định giá thuê DVMTR phù hợp cho từng loại rừng và từng loại DVMTR.

Để giải quyết một cách trọn vẹn những vấn đề đã đề cập ở trên, đòi hỏi chính sách thuê DVMTR phải hướng tới vẫn phải đảm bảo được mục tiêu và chức năng của loại rừng được cho thuê; xác định loại hình DVMTR cho thuê phù hợp với từng 5 loại rừng; xác định đối tượng cho thuê, hình thức cho thuê, mức giá cho thuê đối với từng dịch vụ, cơ chế cho thuê, và sử dụng kinh phí cho thuê.... Xuất phát từ thực tiễn đó nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Lâm Nghiệp cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Thị Minh Nguyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng các mô hình làm cơ sở đề xuất chính sách cho thuê môi trường rừng ở Việt Nam”.

Cho thuê MTR kinh doanh DLST đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và ở một số địa phương, khu rừng tại Việt Nam. Nguồn thu từ cho thuê MTR đã đóng góp một phần nhất định vào tổng nguồn thu của một số Vườn đang thực hiện, tuy nhiên vẫn còn rất khiêm tốn, số lượng VQG thực hiện cho thuê MTR còn ít gây ra sự lãng phí rất lớn về giá trị dịch vụ MTR. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây nhu cầu DLST, đặc biệt là đến các VQG tăng mạnh đòi hỏi cần có sự chuyên nghiệp trong thực hiện hoạt động kinh doanh DLST.

Chính sách cho thuê MTR dần được hoàn thiện, hiện nay đã được quy định trong 1 văn bản pháp luật, tuy nhiên các quy định còn rất hạn chế, chưa bao trùm đầy đủ các nội dung của chính sách cho thuê MTR. Trong đó vấn đề lượng giá giá trị dịch vụ MTR, cơ chế tài chính cho hoạt động thuê MTR kinh doanh DLST cần tiếp tục được nghiên cứu.

Tại Việt Nam đã có một số mô hình thuê MTR ở Việt Nam, nhưng chủ yếu là thực hiện cho thuê MTR tại VQG, với mục đích kinh doanh DLST, gồm VQG Ba Vì, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, VQG Hoàng Liên. Ngoài ra, một số địa phương đã xuất hiện một số mô hình thuê MTR mới như thuê trồng lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng, sản xuất nước sạch, trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, các mô hình thuê đó còn nhỏ lẻ, chưa được đánh giá, tổng kết để nhân rộng mô hình.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16899/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN