Cá ngừ đại dương là đối tượng khai thác chính của nghề KTHS xa bờ và cũng là một trong ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90s, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Duyên hải miền Trung với 03 đối tượng khai thác chính gồm cá ngừ vằn hay cá ngừ sọc dưa (Katsuwonus pelamis), cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus). Sau gần hai thập kỷ, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ (ví dụ Nghị định 66/2005/NĐ-CP; Nghị quyết 48/NQ-CP; Nghị định 67/2014/NĐ-CP…), khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương đã có sự tăng trưởng mạnh. Giai đoạn 2011-2018 tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương tương ứng đạt 12,86 % và 10,59%/năm (Tổng cục thủy sản 2019, VASEP 2019). Các sản phẩm cá ngừ Việt Nam hiện đã được xuất khẩu tới trên 200 thị trường trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng trong thời gian qua, ngành hàng cá ngừ đại dương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những vấn đề tồn tại lớn thể hiện ở việc tổ chức sản xuất vẫn mang tính truyền thống với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị, khó truy suất nguồn gốc, dẫn đến chi phí sản xuất cao, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm thấp thiếu tính bền vững. Các rào cản kỹ thuật và thương mại ngày một nhiều và tinh vi hơn, đặc biệt là bị thẻ EU cảnh bảo thẻ vàng về IUU là một trong những thách thức lớn nhất của ngàng cá ngừ nói riêng và nghề cá Việt Nam nói chung.
Từ những bất cập trên việc liên kết sản xuất khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ là xu thế tất yếu nhằm hạn chế những tồn tại và thách thức đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân, nâng cao hiệu quả CGT ngành hàng cá ngừ, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xuất phát từ thực tiễn đó đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển miền Trung” do Cơ quan chủ trì Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Cao Lệ Quyên thực hiện với mục tiêu Đánh giá được thực trạng chuỗi giá trị cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển miền Trung và đề xuất được các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và quản trị chuỗi.
Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển miền Trung của Việt Nam cho thấy ngành hàng cá ngừ hiện nay có 02 dạng chuỗi, bao gồm 3 mắt xích chính: (1) Khâu sản xuất sơ cấp, bao gồm ngư dân/tổ đội khai thác cá ngừ đại dương; (2) Khâu trung gian là các nậu vựa thu mua cá ngừ cung cấp cho các doanh nghiệp CBXK; (3) Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ. Trong đó, nậu vựa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi với mối liên hệ chặt chẽ với cả ngư dân và doanh nghiệp khi thu mua đến 80% lượng cá ngừ đại dương khai thác. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trực tiếp thu mua 20% lượng cá ngừ đại dương khai thác tại cảng để xuất tươi đi các thị trường nước ngoài. Hiện các vấn đề bất cập tồn tại của các chuỗi bao gồm:
- Thiếu các thông tin khoa học, đặc biệt là các thông tin về ngư trường và trữ lượng cá ngừ theo loài và theo từng vùng biển (theo hệ sinh thái biển). Việc cải thiện các thông tin khoa học này sẽ giúp cho việc khai thác và quản lý quần đàn cá ngừ một cách có hiệu quả hơn. Ngoài ra, thông tin về các vấn đề giá cả thị trường…trong chuỗi cũng vẫn còn hạn chế, trong đó đặc biệt là đối với tác nhân ngư dân khai thác.
- Mặc dù có sự gia tăng nhóm tàu có công suất lớn (>400 CV), tuy nhiên công nghệ bảo quản lạc hậu ở khâu khai thác là một trong những tồn tại lớn nhất làm giảm chất lượng sản phẩm và tổn thất sau thu hoạch cao của ngành hàng này. Phần lớn các tàu công suất nhỏ thiếu hoặc hạn chế về các phương tiện bảo quản. Tại các cảng cá/bến cá, các kho bảo quản lạnh cũng không đủ để duy trì chất lượng của cá ngừ. Bên cạnh đó, chưa có các quy định quốc gia hay các tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến việc sơ chế trên tàu cũng là vấn đề cần được tháo gỡ.
- Phân tích kinh tế cho thấy, trong cả hai CGT cá ngừ vây vàng, mắt to và CGT cá ngừ vằn, mặc dù nhóm tác nhân ngư dân tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận cao nhất trong chuỗi (tính trên 1 kg nguyên liệu), song do quy mô sản xuất nhỏ nên tính bình quân mức lợi nhuận được hưởng trong chuỗi của mỗi tác nhân trong nhóm này lại thấp.
- Thiếu sự hợp tác/liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Đặc biệt có sự cạnh tranh giữa các ngư dân trong việc khai thác cá ngừ có chất lượng cao dẫn đến việc chia sẻ các thông tin về ngư trường rất hạn chế. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, sự chi phối lớn của các cơ sở thu mua/nậu vựa làm hạn chế sự hợp tác giữa những người khai thác và các nhà chế biến xuất khẩu. Do vậy, các hợp đồng giữa tác nhân khai thác và các công ty chế biến xuất khẩu hầu như không có. Kết quả phân tích nhân tố chỉ ra có 03 yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến liên kết giữa ngư dân với thương lái ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa: Danh tiếng của thương lái/nậu vựa, sự phụ thuộc tài chính của ngư dân vào nậu vựa và sự tin tưởng vào giá cả của ngư dân với nâu vựa. Điều này đặt ra vấn đề cần có chính sách và cơ chế để nâng cao đạo đức kinh doanh, năng lực tổ chức liên kết cho tác nhân thương lái/nậu vựa nhằm tạo điều kiện cho tác nhân này dẫn dắt chuỗi hiệu quả hơn.
- Vấn đề về truy xuất nguồn gốc ở khâu khai thác và thương mại cũng là một vấn đề tồn tại lớn do ý thức, năng lực của ngư dân khai thác và nhiều tàu khai thác cá ngừ của Việt Nam là tàu nhỏ. Các tác nhân khai thác này chưa thực sự có ý thức trong việc thực hiện truy xuất cũng như không đủ tiềm lực về tài chính để chứng minh và đánh giá về hoạt động đánh ắt của họ. Do vậy, rất khó để truy xuất việc đánh ắt cá ngừ này, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi xuất sang thị trường EU, đặc biệt trong bối cảnh gần đây khi EU đã cảnh báo thẻ vàng đối với các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam.
- Yêu cầu về các tiêu chuẩn VSATTP ở các nước nhập khẩu rất cao, đặc biệt là thị trường EU. Do vậy, rất khó khăn cho cả người khai thác và các nhà chế biến đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt này. Đặc biệt trong bối cảnh EU vừa cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác hải sản của Việt Nam và Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ bắt đầu từ năm 2018.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16951/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)