Nghiên cứu xây dựng mức giới hạn về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý chất lượng đối với natri hydroxit (xút) công nghiệp

Xút là một trong những sản phẩm quan trọng nhất của ngành công nghiệp hóa chất, xút được sử dụng rộng rãi trong sản xuất giấy, dệt may, xà phòng, chất tẩy rửa, xử lý nước, trong thực phẩm (dầu ăn, sản xuất đường, tinh bột, bột ngọt), thuộc da và sản xuất sillicat. Ngoài ra, xút còn được sử dụng trong quá trình chế biến bauxit để sản xuất nhôm hydroxit và nhôm oxit.

Trên toàn thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 45-50 triệu tấn xút được sản xuất, trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cung cấp hơn một nửa sản lượng xút toàn cầu (55%); khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ có sản lượng tương đương nhau, mỗi khu vực cung cấp khoảng 20% sản lượng. Khoảng 94% xút được mua bán trên thế giới là ở dạng lỏng - thường ở hàm lượng 50%. Mỗi năm, khoảng 2 triệu tấn xút được vận chuyển bằng đường biển, chủ yếu là cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm đi từ quặng nhôm, và 5 triệu tấn được vận chuyển bằng đường bộ.

Tại nước ta, cả nước hiện nay có 5 cơ sở sản xuất xút lỏng ở các nồng độ 32%, 45% và chưa có c sở sản xuất xút rắn. Tổng năng lực sản xuất khoảng 175 ngàn tấn năm (quy đổi về xút 100%). Các cơ sở sản xuất đã áp dụng công nghệ điện phân xút - clo dùng màng trao đổi ion (membrane) thay cho công nghệ màng diaphram. Hàm lượng xút sản xuất trong nước không cao, thường có 2 loại nồng độ 32% và 45% NaOH, chính điều này đã ảnh hưởng đến giá thành tiêu thụ trong trường hợp cần vận chuyển đi xa. Tại một số nhà máy, xút hoặc axit được coi như sản phẩm phụ, do vậy thường không được đầu tư đồng bộ để tận dụng hết năng lực của dây chuyền sản xuất xút hoặc clo.

Tại Việt Nam, xút được sản xuất chủ yếu làm nguyên liệu hoặc phụ gia cho các ngành như sản xuất hóa chất, giấy, dệt may, sản xuất chất tẩy rửa, trong đó nhu cầu chủ yếu cho sản xuất phân bón, hóa chất chiếm tỷ trọng 18%, cho sản xuất giấy chiếm 24,5% và dệt nhuộm chiếm 11%. Đặc biệt, trong những năm gần đây khi Tổ hợp Bauxit Lâm Đồng đi vào hoạt động đã khiến nhu cầu xút trong nước tăng lên, theo quy mô công suất 650 ngàn tấn năm alumin của Tổ hợp này hàng năm cần tiêu thụ khoảng 50 ngàn tấn xút. Tính riêng năm 2014, Việt Nam cần đến 240 ngàn tấn xút, tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2014 bình quân 7,3%/ năm. Trong khi đó, sản lượng xút do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt 128 ngàn tấn năm 2014 và 143 ngàn tấn năm 2015, khoảng 78% năng lực sản xuất hiện có.

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay sản xuất xút ở nước ta chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% tổng nhu cầu tiêu thụ, 40-50% còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn xút từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực Trung Đông. Thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay là Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng xút không cao, giá thành thường thấp hơn so với xút nhập khẩu từ các quốc gia khác. Bình quân mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng trên 100 ngàn tấn xút các loại, tương đương với 3-4 triệu USD xút lỏng và 32-35 triệu USD xút rắn.

Xút thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nguy hiểm, được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xút nói chung hay xút công nghiệp nói riêng được ban hành.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng xút công nghiệp là hết sức cần thiết đảm bảo khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý chất lượng xút công nghiệp, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất.

Xuất phát từ thực tiễn đó, đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mức giới hạn về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý chất lượng đối với natri hydroxit (xút) công nghiệp” do Cơ quan chủ trì Cục Hóa chất cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Bùi Thế Cường thực hiện với mục tiêu: Xây dựng mức giới hạn về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý chất lượng đối với natri hydroxit (xút) công nghiệp.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1) Đã rà soát, tổng hợp thành hệ thống các tài liệu và kinh nghiệm của một số nướ trên thế giới để xây dựng tổng quan hoạt động quản lý nhà nước đối với chất lượng xút công nghiệp;

2) Đã ánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng, công tác quản lý chất lượng đối với chất lượng xút công nghiệp ở Việt Nam;

3) Đề xuất các giải pháp và các biện pháp quản lý chất lượng đối với xút công nghiệp.

4) Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng xút công nghiệp.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16973/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN