Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bát Tràng, bà Hà Thị Vinh là đời thứ 15 của một gia đình chuyên làm nghề gốm. Năm 1989, sau khi nghỉ việc tại Xí nghiệp sứ Bát Tràng, bà dồn vốn liếng tích cóp được xây dựng tổ hợp gốm sứ xuất khẩu Mỹ Hạnh, với mong muốn làm ra những sản phẩm “có tính thẩm mỹ cao, là sản phẩm đẹp từ trong tâm hồn", bà Hà Thị Vinh chia sẻ.
Năm 1994, để đẩy mạnh xuất khẩu, tổ hợp gốm sứ xuất khẩu Mỹ Hạnh giải thể, thay vào đó là sự ra đời của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Từ một tổ hợp với 6 thành viên ban đầu, đến nay, Quang Vinh đã có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm gốm sứ tại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) với trên 700 lao động. Đáng chú ý, trên 90% lao động tại hai nhà máy là nữ. Để cải thiện môi trường cho lao động nữ, gốm sứ Quang Vinh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện năng suất lao động.
“Nhờ có những chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc, gốm sứ Quang Vinh đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân viên trong công ty. Kết quả là doanh nghiệp đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng, giữ vững niềm tin của khách hàng và luôn duy trì được đà phát triển tốt. Công ty Quang Vinh đặt mục tiêu sớm nhận được chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE”, bà Vinh khẳng định.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và quảng bá rộng rãi sản phẩm đến với nhiều thị trường, năm 2019, 4 sản phẩm của công ty gồm bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; bộ bát đĩa gốm sứ chim én - hoa sen; bộ ấm chén chim én - hoa sen đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao.
Đặc biệt, bà Hà Thị Vinh luôn trăn trở với suy nghĩ, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống, cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Để quy tụ những sản phẩm tiêu biểu nhất phải có một không gian trưng bày sản phẩm, cũng là nơi các nghệ nhân có thể sáng tác trực tiếp. Năm 2018, bà Vinh đã triển khai dự án "Tinh hoa làng nghề Việt Nam" trên diện tích 3.300m2 ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Khi dự án được đưa vào sử dụng, đây sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.
Với những đóng góp quan trọng trong việc cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm độc đáo, tinh xảo và đưa thương hiệu gốm sứ Bát Tràng đến với nhiều thị trường lớn cũng như tạo việc làm, môi trường bình đẳng cho hàng trăm lao động nữ…, bà Hà Thị Vinh được vinh danh là một trong những nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.