Nhận diện điểm nghẽn của thị trường khoa học và công nghệ

Quốc Khánh
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điều này làm hạn chế hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến nay, hoạt động liên quan đến khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên tất cả các lĩnh vực. KH&CN ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công. Chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đặc biệt là chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Những điều này đã và đang làm hạn chế hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Cơ chế, chính sách tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực đối với tổ chức KH&CN công lập còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. Gây khó khăn cho công tác quản lý và chưa tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KH&CN phát triển.

Bộ KH&CN cũng khẳng định, hiện tiềm lực KH&CN của các địa phương còn hạn chế. Kinh phí dành cho KH&CN và đổi mới sáng tạo từ ngân sách Nhà nước còn thấp so với yêu cầu thực tế của các địa phương. Trong khi đó, cơ chế huy động các nguồn lực ngoài xã hội cho hoạt động KH&CN còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.

Các địa phương chưa hình thành được các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng.

“Hiện thị trường KH&CN đã hình thành và phát triển nhưng còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp ở địa phương còn hạn chế. Số doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều”, Bộ KH&CN khẳng định.

Nhằm thúc đẩy Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ KH&CN đề nghị các sở KH&CN tập trung ưu tiên bố trí kinh phí. Tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí để triển khai bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN, nhất là đội ngũ cán bộ KH&CN trình độ cao, cán bộ kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ KH&CN phục vụ cho các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, vùng. Huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho phát triển KH&CN.

Hà Anh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN