Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học phát biểu khai mạc hội nghị. |
Hội nghị thu hút gần 500 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ quản lý từ các trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia.
Đây là dịp để các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học thông báo và chia sẻ các kết quả nghiên cứu phục vụ các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, đồng thời, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu nhìn lại những thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực công nghệ sinh học trong giai đoạn vừa qua và có cái nhìn bao quát về tình hình nghiên cứu của các trường và viện nghiên cứu trên toàn quốc trong lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
Công nghệ sinh học được xác định là một trong bốn công nghệ trụ cột của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian qua, nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước đã được ban hành để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Mới đây, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong đó đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu châu Á; công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.
Hội nghị thu hút gần 500 đại biểu tham dự. |
Chính phủ cũng đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, như: Một số cơ chế mới để ưu tiên sự phát triển của công nghệ sinh học; hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao vào các viện nghiên cứu; kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học để có thể phát triển các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực tiễn một cách dễ dàng hơn...
Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà nhận định, giai đoạn tới đây của công nghệ sinh học là giai đoạn bùng nổ của dược phẩm sinh học. Ở mảng này, công nghệ sinh học tại Việt Nam đã có những nghiên cứu và ứng dụng quan trọng, như đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, với nhiều phương pháp khác nhau, từ ADN tái tổ hợp đến công nghệ vector virus. Trong mảng thuốc sinh học, Viện Công nghệ sinh học đã nghiên cứu tạo ra sản phẩm Naturenz bằng phương pháp ly trích enzyme từ 6 loại củ quả trong thiên nhiên giúp thải độc cơ thể, phục hồi chức năng gan. Một số công ty dược sinh học đã sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc...
Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2023 được chia thành 6 tiểu ban bao gồm: Công nghệ gen, Công nghệ sinh học y-dược, Công nghệ enzyme và hóa sinh, Công nghệ sinh học vi sinh và môi trường, Công nghệ sinh học thực vật và Công nghệ sinh học động vật.
Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học trình bày công nghệ chỉnh sửa gen trong cải tạo giống cây trồng. |
Tại Hội nghị, trong phiên họp toàn thể có sự trình bày báo cáo của 3 nhà khoa học về các các xu hướng nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học: CRISPR/Cas9 trong cải tạo giống cây trồng-Tiềm năng ứng dụng, tình hình quản lý, một số kết quả cập nhật tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Giải trình tự gen người Việt quy mô quần thể-Tầm nhìn và giải pháp; Nghiên cứu và phát triển công nghệ protein-enzyme- Tầm quan trọng, các thành tựu và những khó khăn, thách thức.
Ban tổ chức Hội nghị cho biết, đã nhận được hơn 250 bài báo cáo toàn văn, các bài báo đã được Hội đồng biên tập đánh giá thông qua các phản biện độc lập theo đúng quy trình biên tập của các tạp chí quốc gia nhằm bảo đảm chất lượng khoa học. Hội đồng biên tập đã lựa chọn 217 bài đáp ứng được yêu cầu về nội dung để đăng trong Tuyển tập báo cáo khoa học của Hội nghị. Ban tổ chức đã lựa chọn hơn 50 báo cáo đại diện để báo cáo tại các tiểu ban của Hội nghị.