Sáng 12/11, Thành đoàn TP HCM tổ chức Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo lần 13, thu hút 30 gian hàng của 30 đơn vị.
Trong ảnh, Phó bí thư Thành đoàn TP HCM Trần Thu Hà (phải) cùng đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức tham quan các gian hàng công nghệ của thanh niên tại liên hoan. Ảnh: Tiên Trinh
Máy bay không người lái (drone) của sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM giành được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Drone có thể bay cao 2 - 4 m, trọng lượng 1 kg, có thể mang theo 0,5 kg, thời gian hoạt động 15 - 20 phút.
Phan Văn Quân, sinh viên ngành tự động hóa, tác giả sản phẩm cho biết, mẫu drone này có điểm khác biệt là tự hoạt động theo lập trình tọa độ sẵn mà không cần sử dụng cần điều khiển. "Điều này giúp tăng tính tự động hóa cho drone, giảm chi phí sử dụng lao động", Quân nói.
Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, sử dụng công nghệ thị giác máy tính, drone có thể tự hoạt động theo lập trình tọa độ cho sẵn, có thể cài giờ hoạt động, thời gian hoạt động... Khi ứng dụng trong thực tế, Quân cho biết, drone sẽ sử dụng công nghệ định vị GPS để hoạt động ở phạm vi lớn hơn. "Sản phẩm đang ở dạng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cần tiếp tục cải tiến để hoạt động hiệu quả hơn trong thực tế", Quân nói.
Hệ thống IoT quan trắc môi trường trong thủy sản của sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Huỳnh Quốc Toàn, tác giả sản phẩm cho biết, nhóm tự thiết kế phần cứng, phần mềm cho hệ thống. Bo mạch điều khiển sử dụng công nghệ LoRaWAN giúp chủ ao nuôi có thể điều khiển các thiết bị trong ao ở khoảng cách hơn 3 km, tính ổn định cao hơn. "LoRaWAN khắc phục nhược điểm của công nghệ wifi là phạm vi điều khiển ngắn và tính ổn định không cao", Toàn nói.
Sản phẩm được thử nghiệm tại ao nuôi tôm càng xanh rộng 2 ha với hai chế độ giám sát 5 chỉ số môi trường trong ao và điều khiển các thiết bị điện như máy bơm, đèn... tại ao. "Dựa trên dữ liệu các chỉ số quan trắc môi trường nhóm sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dự báo nguy cơ mắc bệnh tôm trong ao", Toàn nói về dự định phát triển sản phẩm.
Nhóm sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành bên bộ sưu tập các chế phẩm sinh học hoàn toàn từ thiên nhiên, trong đó có sản phẩm thuốc trừ sâu từ hạt mãng cầu xiêm. Theo Trần Vũ Hoài An (phải), trong hạt mãng cầu xiêm chứa nhiều chất saponin có tác dụng ức chế hệ thần kinh, tiêu hóa của sâu. Từ nghiên cứu này, nhóm đã chiết xuất saponin từ hạt mãng cầu xiêm cùng một số phụ gia tạo ra thuốc trừ sâu sinh học. Thử nghiệm trên các luống rau ăn lá, tỷ lệ diệt trừ sâu lên trên 75%, hiệu quả sau 7 - 10 ngày.
"Chế phẩm có hiệu quả trên một số loại sâu phổ biến như sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh...", An nói, cho biết thêm người dùng chỉ cần pha 25 ml chế phẩm với 16 lít nước và phun trên bề mặt vườn rau.
Sử dụng tảo biển Chlorella Vulgaris, nhóm sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành phát triển mỹ phẩm thiên nhiên có khả năng chống lão hóa da. Theo Phạm Thị Thúy Vi, thành viên nhóm, trong tảo biển Chlorella Vulgaris có chứa nhiều chất astaxanthin có chức năng chống lão hóa, giữ ẩm cho da, giúp da mặt luôn mịn màng khi sử dụng, phù hợp với hầu hết các loại da mặt. "Công dụng của astaxanthin vượt trội so với vitamin C, E nên chiếm ưu thế trong phát triển các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên", Vi nói.
Hai sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM thử nghiệm ứng dụng di động (app) hỗ trợ giao tiếp với người khiếm thính. Phạm Văn Minh Toàn, sinh viên khoa khoa học máy tính cho biết, khi sử dụng app nhóm thu thập dữ liệu các cử động của tay, giúp người dùng hiểu được ngôn ngữ kí hiệu khi giao tiếp với người khiếm thính.
Theo Toàn, khi người dùng đưa camera lên khu vực cử động tay người khiếm thính, hệ thống sẽ ghi nhận lại và gửi kết quả dưới dạng văn bản và giọng nói trên app trong vòng 3 - 4 giây. Hiện ứng dụng chỉ mới thực hiện khoảng hơn 10 cử chỉ tay nên còn rất hạn chế vì dữ liệu chưa nhiều. "Mỗi cử chỉ tay nhóm thực hiện cho 60 người khác nhau để AI đưa ra kết quả chính xác nhất. Nên việc phát triển bộ dữ liệu từ cử chỉ tay là rất thách thức, nhưng nhóm quyết tâm thực hiện trong thời gian tới", Toàn nói. Sắp tới nhóm dự kiến phát triển công nghệ chuyển văn bản thành cử chỉ tay trong app giúp việc trò chuyện với người khiếm thính mang tính hai chiều.
Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo là hoạt động thường niên dành cho thanh thiếu niên giới thiệu các sản phẩm sáng chế đến cộng đồng, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ. Ngoài triển lãm các công nghệ, sự kiện còn tổ chức các cuộc thi về khoa học kỹ thuật, tọa đàm về các công nghệ như AI, viễn thám... cùng các sân chơi STEM. Sự kiện diễn ra đến hết 13/11.
Trong ảnh, các bạn trẻ trải nghiệm không gian vũ trụ thông qua kính thực tế ảo tại khu vực xe công nghệ. Ảnh: Tiên Trinh