Phát triển khoa học công nghệ - Cơ hội và thách thức đối với ngành năng lượng điện của Việt Nam

Phát triển KHCN ngành điện là hoạt động tự thân của cả một quá trình phát triển ngành, là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của ngành điện.

1. Lời giới thiệu:

Từ những phát minh của các nhà khoa học nổi tiếng trong thế kỷ thứ 18, 19 như André-Marie Ampère (1775-1836), George Simon Ohm (1789-1854), Michael Faraday (1791-1867), Antonio Pacinotti (1841-1912), Thomas Edison (1844-1931) và Nikola Tesla (1856-1943)…, với bản chất khả năng linh hoạt trong sản xuất, truyền tải, phân phối và đặc tính đa dạng trong chuyển hóa, năng lượng điện đã nhanh chóng đóng vai trò đặc biệt quan trọng làm trụ cột trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Sớm nắm bắt và nhận diện vai trò của ngành điện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới hơn 30 năm vừa qua Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển ngành điện cần phải luôn đi trước một bước và ngành điện đã thực sự thành công trong những nhiệm vụ được giao. Trong các quá trình này, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ có vai trò làm nền tảng và động lực để ngành năng lượng điện hoàn thành sứ mệnh quan trọng của ngành cơ sở hạ tầng đặc biệt. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về hiện trạng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành điện và một số xu hướng phát triển khoa học công nghệ. Từ đó các tác giả đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất đối với hoạt động khoa học và công nghệ ngành năng lượng điện của Việt Nam.

2. Một số đặc điểm của bối cảnh hiện nay

Bối cảnh thế giới, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu từ các tổ chức xã hội, định chế tài chính đến chính phủ các quốc gia. Trên cơ sở những cam kết đóng góp của quốc gia (National Determined Contributions - NDC) tại Hội nghị Liên hợp quốc năm 2015 về Biến đổi khí hậu tại Paris (Hiệp định Paris - COP21), các nước đều có lộ trình từng bước hạn chế, loại bỏ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than cũng như đặt các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo để thay thế. Trước áp lực của các tổ chức xã hội, xu hướng ngày càng có nhiều các ngân hàng thương mại, ngân hàng xuất khẩu tại các nước phát triển và các định chế tài chính quốc tế sẽ không cung cấp tín dụng cho các dự án nhiệt điện than [1]. Các cơ quan cấp tín dụng xuất khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - ba quốc gia cung cấp tài chính hàng đầu cho các dự án nhiệt điện than ở các nước đang phát triển – cũng đang có áp lực thực hiện các biện pháp quyết liệt trong việc cắt giảm danh mục dự án nhiệt điện than để đạt được các cam kết của COP21.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã đặt mục tiêu từng bước giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các sản phẩm, dịch vụ với những giải pháp đầu tiên là sử dụng toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Điển hình là sáng kiến RE100 có hơn 300 doanh nghiệp lớn toàn cầu tham gia hợp tác với tổ chức Climate Group và CDP đặt mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng toàn bộ 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp hiện đang có nhiều cơ sở sản xuất, dự án đang hoạt động tại Việt Nam như LG, Intel, Unilever, Nike, P&G… Đối với xu hướng nguồn vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch sang đầu tư các dự án nhiệt điện sử dụng LNG thay thế nguồn nhiệt điện than, hiện nay còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.

Theo tài liệu công bố của công ty luật quốc tế Watson Farley & Williams vào tháng 10 năm 2020, danh mục các loại rủi ro rất dài với kết luận đây là những dự án phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều cấu phần luôn biến động với nhiều rủi ro [2] - rủi ro ở khâu thượng nguồn, hạ nguồn, rủi ro đối tác, rủi ro về giá LNG và tiền tệ,... Do đặc điểm nền kinh tế Việt Nam là hội nhập sâu rộng với quốc tế và có độ mở lớn, những xu hướng nêu trên đang tác động trực tiếp và nhanh chóng vào quá trình phát triển ngành năng lượng điện. Đây thật sự là thách thức đối với ngành điện không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà còn trong dài hạn sắp tới.

Bối cảnh trong nước, quy mô hệ thống điện không ngừng phát triển nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ điện liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong hơn 30 năm qua. Tương tự như lịch sử của nhiều mô hình phát triển ngành điện trên thế giới, tại Việt Nam các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất. EVN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất, cùng với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV), và phân phối điện, giữ vai trò độc quyền trong vận hành hệ thống điện, quản lý hệ thống điện truyền tải và kinh doanh điện. Mặc dù ngành điện đã đạt nhiều kết quả và thành công được Đảng và Nhà nước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết trong giai đoạn trung và dài hạn sắp tới đó là: (i) Hệ thống khung pháp lý còn có những yếu tố chưa đồng bộ và thống nhất về cơ chế, chính sách cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng điện; (ii) Đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh tiến độ các dự án nguồn điện luôn tiềm ẩn yếu tố rủi ro về tiến độ và cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi nhanh chóng trong từng giai đoạn và trong bối cảnh chung của thế giới; (iii) Phát triển thị trường điện khó có khả năng đạt mục tiêu, hiệu quả theo lộ trình đã đề ra; (iv) Các doanh nghiệp tư nhân, FDI tham gia đầu tư vào ngành điện ngày càng nhiều, đặc biệt vào lĩnh vực nguồn điện và phân phối; (v) Việc điều hành chính sách giá điện luôn có áp lực ràng buộc bởi nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Những vấn đề tồn tại cơ bản này cần được các cấp cơ quan có thẩm quyền quan tâm tiếp tục giải quyết với nguồn lực đủ mạnh, theo quan điểm, luận cứ khách quan khoa học và trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ hiệu quả hoàn toàn có thể là một trong giải pháp then chốt góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại và thách thức của ngành điện trong giai đoạn tới.

Bối cảnh phát triển khoa học và công nghệ, trong các bối cảnh khác nhau sự hình thành và phát triển của ngành năng lượng điện luôn có song hành cùng quá trình phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ. Ngành năng lượng điện được xem vừa mang một số đặc điểm cơ bản của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thông thường vừa có những tính chất điển hình, đặc thù riêng khác biệt với các ngành sản xuất công nghiệp khác. Theo đó, những đặc điểm cơ bản tương đồng đó là quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện được giới hạn trong một chuỗi các quy trình chuyển đổi từ những nguồn năng lượng sơ cấp thành các sản phẩm, dịch vụ cuối cùng cung cấp cho khách hàng là điện năng. Tính chất điển hình, đặc thù riêng khác biệt với các ngành sản xuất công nghiệp khác đó là hệ thống điện được kết nối, tích hợp đồng bộ để đáp ứng các điều kiện ràng buộc về kinh tế, kỹ thuật với sự điều tiết của nhà nước trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng theo thời gian thực được tính bằng đơn vị phần trăm giây. Do đó, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành năng lượng điện cần tiếp thu, kế thừa những kết quả nghiên cứu về sản xuất thông minh đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở xem xét đến tính chất điển hình, đặc thù riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia.

Bắt nguồn từ một ý tưởng của cộng đồng người Đức, khái niệm về công nghiệp 4.0 (hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0 – CMCN 4.0) được hoàn thiện vào năm 2011. Ý tưởng này được Chính phủ Đức đưa ra, sau đó được giới học thuật và các công ty công nghiệp chủ chốt như Siemens AG dẫn dắt, nhằm đưa ra bộ tiêu chí để ngành công nghiệp của Đức hướng tới đạt năng suất cao nhất, cùng với đó khái niệm sản xuất thông minh. Những đặc trưng cơ bản của công nghiệp 4.0 là tự động hóa thông minh và kết hợp công nghệ mới, công nghệ cao vào chuỗi các quy trình sản xuất, quản lý. Bản chất đây là sự chuyển đổi số làm thay đổi mạnh mẽ quá trình sản xuất bằng những thay đổi cơ bản, không chỉ về quy trình và hệ thống mà còn về phương thức quản lý, nguồn nhân lực và mô hình sản xuất, kinh doanh (theo Shrouf và các cộng sự, 2014). Những lĩnh vực công nghệ đặc trưng được xem xét trong phạm vi ngành điện bao gồm: (i) Công nghệ cao, công nghệ của CMCN 4.0 bao gồm: công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo…; (ii) Công nghệ cơ bản bao gồm: công nghệ cơ khí chế tạo, công nghệ vật liệu... Trên phạm vi quốc gia, các hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ được xem xét theo cách tiếp cận tổng thể bao gồm các lĩnh vực: (i) Nghiên cứu và phát triển; (ii) Tiêu chuẩn hóa; (iii) Đổi mới sáng tạo; (iv) Sở hữu trí tuệ.

3. Hiện trạng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành điện

Phát triển và ứng dụng KHCN góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở phạm vi quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng của ngành điện và các doanh nghiệp thuộc ngành điện. Hiện trạng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành điện trong điều kiện bối cảnh giai đoạn từ năm 2011 đến nay như sau:

Triển khai và nâng cấp hệ thống SCADA điện lực

Hoạt động nghiên cứu phát triển, nhìn chung đây là hoạt động ghi nhận sự đa dạng về hình thức, phong phú về các chủ thể tham gia và đạt nhiều kết quả, thành tựu nổi bật trong mọi lĩnh vực của ngành điện. Nhiều công nghệ cao, công nghệ của CMCN 4.0 đã được các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành công hiệu quả trong công tác vận hành hệ thống điện, quản lý hệ thống điện truyền tải và kinh doanh điện với một số kết quả, thành tựu tiêu biểu đó là: (i) Triển khai và nâng cấp hệ thống SCADA, đã kết nối tới 23/23 trạm 500 kV, 101/106 nhà máy điện có công suất trên 30 MW, 91/92 trạm biến áp 220 kV và 605/649 trạm biến áp 110 kV với các Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và khu vực làm tiền đề quan trọng để triển khai ứng dụng trên diện rộng trạm biến áp không người trực và thí điểm ứng dụng các công nghệ trạm biến áp số; (ii) Trong năm 2020, 9 cơ quan, đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc3. Trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam được ghi nhận khi tham gia với bộ giải pháp và sản phẩm “Phần mềm Quản lý kinh doanh điện (CMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) và phần mềm Quản lý văn phòng (E-Office)”; (iii) Về chỉ số tiếp cận điện năng4, trong giai đoạn từ năm 2013-2019 chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã cải thiện thứ bậc xếp hạng đáng kể từ vị trí 156 lên 27/190 để đứng trong nhóm ASEAN - 4. Đây là bộ chỉ số đánh giá toàn diện về chất lượng và độ tin cậy dịch vụ cung cấp điện cho hoạt động thương mại, sản xuất; (iv) Trong lĩnh vực công nghệ cơ bản, các doanh nghiệp những kết quả từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã góp phần đưa sản phẩm “Make in Vietnam” tham gia ngày càng nhiều của các công trình điện như: sản phẩm máy biến áp đến cấp điện áp 220kV, 500kV (bao gồm cả máy biến áp nguồn đầu cực máy phát) của Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh; thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện của Viện Nghiên cứu cơ khí; nhiều hạng mục, thiết bị phụ trợ của nhà máy nhiệt điện than công suất tổ máy gam 600MW của Lilama, Viện Nghiên cứu cơ khí. Ngoài ra, các sản phẩm cáp điện cấp điện áp đến 220kV cùng nhiều kết cấu, thiết bị và phụ kiện đường dây truyền tải, đường dây phân phối do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, phát triển đã cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước…; (v) Trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ của CMCN 4.0, Công ty cổ phần Hệ thống ứng dụng kỹ thuật (ATS Jsc., doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam) đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công giải pháp nền tảng OneATSTM trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa và phân tích dữ liệu ngành năng lượng điện. Giải pháp này đã vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao Giải Nhất hạng mục “Giải pháp số xuất sắc” năm 2020.

Bên cạnh nhiều kết quả, thành tích nêu trên, hoạt động nghiên cứu và phát triển còn tồn tại những khó khăn và hạn chế sau: (i) Số lượng, quy mô các kết quả, sản phẩm của hoạt động nghiên cứu phát triển chưa tương xứng và đáp ứng nhu cầu với sự phát triển của ngành điện trong giai đoạn vừa qua. Ví dụ: Hoạt động nghiên cứu phát triển hiện nay chủ yếu tập trung ở phía “cung” mà chưa quan tâm đến “phía cầu” trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và quản lý nhu cầu phụ tải (DSM), thiếu những kết quả nghiên cứu có chất lượng cao cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách và quy hoạch năng lượng…; (ii) Công tác quản lý, huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ vào hoạt động nghiên cứu phát triển chưa hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động này. Nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn khi xử lý tài sản; (iii) Hoạt động nghiên cứu phát triển thiếu sự gắn kết với hoạt động tiêu chuẩn hóa, đổi mới sáng tạo và hoạt động sở hữu trí tuệ theo các chuẩn mực quốc tế nên tính bền vững còn chưa cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng.

Hoạt động tiêu chuẩn hóa, Hoạt động xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong ngành năng lượng điện đã có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện từ nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức đến các kết quả cụ thể sau: (i) Với sự ra đời của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật QCVN, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN trong lĩnh vực năng lượng điện ngày càng mở rộng quy mô nhanh chóng về số lượng trên cơ sở chấp nhận, hài hòa với các tiêu chuẩn kỹ thuộc quốc tế của IEC, IEEE, ISO… cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn; (ii) Năng lực, bao gồm cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, của các tổ chức đánh giá sự phù hợp không ngừng được nâng cao nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các hoạt động của ngành điện; (iii) Các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng…) tích cực xây dựng và triển khai lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động này như: Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 3263/QĐ-BCT ngày 07 tháng 9 năm 2018; Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2018; Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” của Bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là EVN, đã xây dựng và ban hành nhiều quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở đối với các hệ thống, thiết bị trong hệ thống điện vừa góp phần nâng cao độ tin cậy, hiệu quả và an toàn trong vận hành hệ thống điện vừa làm định hướng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo trong nước. Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm sản xuất trong nước của các doanh nghiệp này là điều kiện tiên quyết để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Mặc dù hoạt động tiêu chuẩn hóa trong giai đoạn vừa qua được ghi nhận với nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn một số hạn chế và tồn tại đó là: (i) Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN trong lĩnh vực năng lượng điện còn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu đối những tiêu chuẩn quan trọng trong lĩnh vực nhiệt điện, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), lưới điện thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Việc triển khai công tơ điện tử rộng rãi trong các Tổng công ty phân phối (đạt tỉ lệ khoảng 55% vào cuối năm 2020) trong khi các cơ quan quản lý nhà nước, EVN chưa ban hành quy chuẩn, quy định kỹ thuật chung đối với thiết bị này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý dữ liệu, định hướng phát triển nền tảng công nghệ…; (ii) Nhận thức và cách thức triển khai hoạt động tiêu chuẩn hóa của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, toàn diện như việc xem các hoạt động thí nghiệm, chứng nhận là “giấy phép con” thay vì là công cụ tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, công trình; (iii) Công tác đầu tư nâng cao năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp chưa được quan tâm đúng mức thể hiện qua: nguồn tài chính phân bổ đầu tư cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp của doanh nghiệp còn rất hạn chế, kể cả các doanh nghiệp thuộc EVN; chưa có nội dung, chương trình đào tạo về hoạt động tiêu chuẩn hóa trong các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật điện…

Hoạt động đổi mới sáng tạo, Trên cơ sở các khái niệm về đổi mới sáng tạo trong tiêu chuẩn ISO 56002:2019, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Hướng dẫn Oslo 2018, OECD) cũng như Luật khoa học và công nghệ (Khoản 16 Điều 3), đổi mới sáng tạo là quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình để mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cho kinh tế, xã hội. Như vậy, hoạt động đổi mới sáng tạo có nội hàm rộng hơn hoạt động nghiên cứu phát triển, trong phạm vi nhất định bao hàm cả hoạt động nghiên cứu phát triển.

Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO, 2020), chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia. Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập, và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Sau 5 năm, Việt Nam từ vị trí 59 (năm 2016) trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã tăng 17 bậc, xếp vị trí 42 (năm 2020) trên tổng số 131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 là 42/129). Với vị trí này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập, và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Theo tiến trình chung đó, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành điện đã được triển khai rộng rãi về quy mô và đa dạng về loại hình với một số kết quả điển hình như: (i) Triển khai ứng dụng trên diện rộng các loại dây dẫn chịu nhiệt, dây nhôm lõi composit, xây dựng các đường dây nhiều mạch cùng hoặc khác cấp điện áp, ứng dụng UAV và công nghệ trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả công tác vận hành, đầu tư các đường dây truyền tải điện...; (ii) EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và góp phần xây dựng nền kinh tế số như: Đến cuối năm 2020, EVN đã đưa vào vận hành 63 trung tâm điều khiển xa và thực hiện điều khiển xa cho 850 trạm biến áp 220 kV và 110 kV không người trực, góp phần tăng hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện quốc gia, nâng cao năng suất lao động; Giai đoạn 2013 - 2020 đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng của EVN trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong chuỗi kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ cấp điện mới, ghi chỉ số, lập hóa đơn, thu và theo dõi nợ tiền điện, đến chăm sóc khách hàng5…; (iii) Khối các đơn vị nguồn điện trong EVN và ngoài EVN cũng có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành, vận hành thông qua các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng các công cụ của hệ thống quản trị sản xuất thông minh…;

Bên cạnh đó, một số tồn tại, hạn chế của hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành điện đó là: (i) Hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành điện cũng như của EVN còn chưa có định thướng thống nhất, đồng bộ mà đang triển khai tương đối độc lập, chưa có sự gắn kết giữa hoạt động đổi mới sáng tạo giữa các lĩnh vực với nhau và gắn kết hoạt động đổi mới sáng tạo với các hoạt động khác; (ii) Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế hiện hành và thông lệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro chưa được quan tâm và triển khai đáp ứng nhu cầu thực tiễn; (iii) Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ nói riêng chưa có sự phối hợp trong huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia.

Hoạt động sở hữu trí tuệ, Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực năng lượng điện mang đầy đủ những hạn chế ở tất cả các lĩnh vực trụ cột của hoạt động này tại Việt Nam bao gồm: sáng tạo, xác lập quyền, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhìn chung, hiện nay về cơ bản hệ thống chính sách bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ, toàn diện, bao quát được các khía cạnh của quyền SHTT, đáp ứng chuẩn mực về “tính đầy đủ” và “tính hiệu quả” được quy định trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS/WTO) và các điều ước quốc tế về SHTT (hoặc có điều khoản về SHTT) mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế Luật SHTT được đánh giá là vẫn chưa thành công, hiệu quả thực thi Luật SHTT chưa rõ ràng, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn hạn chế. Thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về SHTT hơn 10 năm qua cho thấy còn không ít hạn chế trong hệ thống SHTT của Việt Nam, khiến SHTT chưa thực sự là động lực cho sự phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn vướng mắc trong các quy định pháp luật liên quan đến việc đăng ký kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (thiết kế bố trí) được tạo ra trên cơ sở sử dụng nguồn kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, quy định pháp luật hiện hành chưa thực sự tạo động lực cho việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này. Đặc biệt các chủ thể sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ là các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ… còn thiếu kỹ năng cần thiết sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh. Đây vẫn đang là điểm nghẽn trong việc cải thiện hoạt động KHCN của Việt Nam6.

Các Chương trình khoa học và công nghệ và công tác quản lý nhà nước, hiện nay các nhiệm vụ, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính để triển khai trong đó bao gồm các nhiệm vụ, Chương trình liên quan đến lĩnh vực năng lượng điện. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, mô hình quản lý các nhiệm vụ, Chương trình này do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản, Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác tham gia với vai trò cử đại diện trong các Ban Chủ nhiệm Chương trình hoặc trong các Hội đồng xét duyệt nhiệm vụ. Mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế do hoạt động khoa học và công nghệ của các nhiệm vụ, Chương trình thiếu sự gắn kết với quá trình triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành năng lượng điện. Bộ quản lý ngành là Bộ Công Thương cũng thiếu đi nguồn lực cần thiết để triển khai các giải pháp về khoa học và công nghệ thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành năng lượng điện. Đặc biệt là các nhiệm vụ KHCN cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành điện.

Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học và công nghệ đối với ngành điện, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Công Thương đang chủ yếu tập trung nguồn lực vào công tác quản lý các nhiệm vụ, Chương trình KHCN. Trong khi đó, cơ quan quản lý này chưa quan tâm đến những công cụ thực thi chính sách hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hoạt động KHCN nói chung, cũng như đang thiếu nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến liên quan đến KHCN đối với các cán bộ quản lý, người trực tiếp tham gia hoạt động KHCN. Đây được xem là nguyên nhân của hạn chế đã nêu về công tác quản lý, huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ vào hoạt động nghiên cứu phát triển chưa hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động này.

4. Một số xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong ngành điện

Phát triển KHCN ngành điện Việt Nam sẽ phải đi theo những xu hướng mà những cơ hội và thách thức đối với ngành đặt ra. Trong đó, các tồn tại nêu trên chính là thách thức đối với hoạt động KHCN của ngành điện. Cơ hội ở đây là những thành tựu mới nhất mà CMCN 4.0 và lĩnh vực công nghệ cao sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng “thông minh” hơn - “xanh” hơn và “nhanh” hơn với một số định hướng nổi bật đó là: (i) Hệ thống điện truyền tải và phân phối điện sẽ được số hóa và tự động hóa ở mức độ ngày càng cao; (ii) Tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện gia tăng nhanh chóng; (iii) Tốc độ phát triển công nghệ trong một số lĩnh vực của ngành năng lượng điện có khả năng sẽ nhanh hơn dự báo. Theo đó, một số xu hướng phát triển cơ bản cụ thể như sau:

Về ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng thành quả của CMCN 4.0, đối với phân ngành phát điện, triển khai công nghệ phát điện tiên tiến sử dụng năng lượng tái tạo nhằm phát điện, chuyển đổi lưu trữ điện năng dưới dạng hydro và các dạng khác; ứng dụng IoT, chuyển đổi số thiết lập hệ thống giám sát theo thời gian thực các thông số vận hành nguồn phát điện, nâng cao hiệu quả phát điện và sửa chữa bảo dưỡng; ứng dụng các công nghệ trong tích hợp và quản lý các nguồn năng lượng phân tán, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo theo mô hình nhà máy điện ảo (VPP). Đối với phân ngành truyền tải phân phối điện năng, triển khai công nghệ trạm biến áp số, tự động hóa trạm biến áp, công nghệ chẩn đoán online thiết bị đang vận hành, hình thành lưới điện thông minh, tiến tới hệ thống điện thông minh có khả năng tự hồi phục sau sự cố, ứng dụng công nghệ BIM, dữ liệu lớn (big data) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác thiết kế, quản lý thiết bị lưới truyền tải. Đối với kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng, ứng dụng công nghệ đo đếm tiên tiến - thông minh (Smart Metering) để theo dõi sử dụng điện của khách hàng, chống thất thoát trong kinh doanh điện, phục vụ nghiên cứu dự báo phụ tải và các yêu cầu của quản lý điều hành; sử dụng công nghệ công tơ đọc dữ liệu, thu nhận dữ liệu từ xa; tự động hoá lưới phân phối gắn liền với dịch vụ khách hàng và quản lý nhu cầu.

Mô hình nhà máy điện ảo (VPP)

Về ứng dụng công nghệ cơ bản trong ngành điện, đối với nguồn phát điện truyền thống như nhiệt điện than, xu hướng là sẽ phải áp dụng những công nghệ mới nhất để đảm bảo các chỉ số tối ưu về hiệu suất lò hơi (Sử dụng than hiệu quả bằng cách cải tiến thiết bị đốt và xem xét việc áp dụng thông số trên siêu tới hạn/USC - Ultra Super Critical), sử dụng phụ gia hoặc đồng đốt nhiên liệu sinh khối nhằm giảm nguồn phát thải ra môi trường của nhiệt điện than. Đối với đường dây truyền tải điện, phát triển công nghệ xây dựng các đường dây nhiều mạch cùng hoặc khác cấp điện áp nhằm giảm hành lang tuyến; ứng dụng vật liệu mới, sử dụng các loại cách điện mới tiên tiến như composite, xà cách điện, vật liệu siêu dẫn cho đường dây truyền tải, triển khai ứng dụng các loại dây dẫn chịu nhiệt để nâng cao khả năng tải của dây dẫn trên không, sử dụng dây dẫn hợp kim, dây dẫn nhôm lõi bằng sợi carbon để giảm độ võng, giảm kích thước cột; ứng dụng công nghệ mô đun hóa trạm biến áp phân phối, trạm biến áp di động hợp bộ, các hệ thống rơle bảo vệ lưới trung áp, tự động hóa lưới phân phối (DAS), hệ thống quản lý lưới phân phối (DMS), SCADA lưới phân phối. Đối với phân ngành cơ khí chế tạo, triển khai áp dụng công nghệ mới/tiên tiến trong chế tạo các thiết bị điện chủ yếu như máy biến áp, thiết bị đo lường điện năng, cáp lực và dây dẫn v.v…nhằm nâng cao hiệu suất vận hành và tuổi thọ của thiết bị.

5. Một số đề xuất và thay lời kết

Phát triển KHCN ngành điện là hoạt động tự thân của cả một quá trình phát triển ngành, là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của ngành điện. Do vậy, khi lựa chọn được những định hướng phát triển KHCN một cách hợp lý là khi chúng ta tạo được khả năng phát huy nguồn nội lực kết hợp khai thác hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở nhận định về hiện trạng và xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong ngành điện, các định hướng hoạt động KHCN được đề xuất trong giai đoạn tới đó là:

(i) Tập trung hoàn thiện các khung pháp lý về hoạt động KHCN trong đó ưu tiên giải quyết một số tồn tại như: công tác xử lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước; trao quyền đăng ký tài sản SHTT cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN với những điều kiện nhất định, đồng thời quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến giao dịch tài sản trí tuệ…;

(ii) Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, Chương trình KHCN theo nguyên tắc đảm bảo tính tổng thể của từng nhiệm vụ trong định hướng hoạt động KHCN của ngành điện và tính liên kết của các hoạt động nghiên cứu phát triển, tiêu chuẩn hóa, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Trong đó, các nhiệm vụ KHCN cần bám sát các xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong ngành điện và tập trung đảm bảo mục tiêu kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ giá trị gia tăng trong nước có tỉ lệ cao khi tham gia vào chuỗi giá trị trong vòng đời của cả dự án, sản phẩm cũng như cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành điện tại Việt Nam;

(iii) Đổi mới mô hình quản lý các nhiệm vụ, Chương trình KHCN theo hướng giao cho Bộ quản lý ngành là cơ quan chủ quản nhằm đảm bảo sự gắn kết với quá trình triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành năng lượng điện. Bộ Khoa học và Công nghệ giữa vai trò cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý về khoa học và công nghệ khi là cơ quan phê duyệt Chương trình khung với các định hướng hoạt động KHCN đảm bảo đồng bộ, hạn chế chồng chéo và trùng lặp;

(iv) Tăng cường các hoạt động đảm bảo thực thi hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hoạt động KHCN, cũng như hoạt động tuyên truyền, phổ biến liên quan đến KHCN đối với các cán bộ quản lý, người trực tiếp tham gia hoạt động KHCN. Trước hết tập trung triển khai hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc EVN, PVN và TKV, từng bước mở rộng ra các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp EVN, PVN và TKV cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về KHCN để rà soát quy trình, cơ chế quản lý các hoạt động KHCN nhằm nâng cao hiệu quả cũng như đẩy mạnh triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo;

(v) Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập với chức năng vừa là tổ chức trực tiếp tham gia các hoạt động KHCN vừa là tổ chức trung gian hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành điện tham gia vào hoạt động KHCN./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 https://en.vietnamplus.vn/adb-proposes-ending-funding-for-coal-power-plants/201216.vnp

2 http://ieefa.org/wp-content/uploads/2021/01/Setting-the-Right-Expectations-for-Vietnams-LNG-Project-Pipeline_VN_January-2021.pdf

3 https://www.evn.com.vn/d6/news/EVN-cung-mot-so-don-vi-cua-nganh-Dien-nhan-giai-thuong-Doanh-nghiep-chuyen-doi-so-xuat-sac-Viet-Nam-2020-66-142-26685.aspx

4 Báo cáo Doing Business của WB đánh giá chỉ số tiếp cận điện năng theo các tiêu chí: thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện

5 https://evn.com.vn/d6/news/Tap-doan-Dien-luc-Viet-Nam-doi-moi-sang-tao-toi-uu-chi-phi-0-12-27033.aspx

6 ThS. Lê Như Quỳnh, Giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, Hội thảo Giải pháp khoa học, kỹ thuật và phát triển kinh tế, xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, 2021.

ThS. Vũ Thanh Hải - ThS. Lê Việt Cường - ThS. Hoàng Anh Dũng (Viện Năng lượng)

Theo Tạp chí Công Thương

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN