Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Tham dự tọa đàm có đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cùng nhiều lãnh đạo các viện, trường, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò đặc biệt quan trọng về bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới; là 1 trong 6 vùng kinh tế-xã hội của nước ta, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng-an ninh; là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, vựa lúa, thủy sản, trái cây của cả nước.
Giai đoạn 2014-2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đồng chủ trì triển khai chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam Bộ.
Các kết quả của chương trình này đã bước đầu ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển, như: Điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất, đời sống người dân; vốn, nhân lực, công nghệ hiện đại cho phát triển vùng còn hạn chế; môi trường đầu tư-kinh doanh và cơ chế quản trị-hợp tác-liên kết vùng chưa chặt chẽ...
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân phát biểu ý kiến tại tọa đàm. |
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là chương trình rất quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng bằng sông Cửu Long nhanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả của chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020; báo cáo khung chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long"…
Các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm kiếm các giải pháp mới, đột phá; đề xuất các nhiệm vụ của nhà khoa học, mô hình liên kết vùng, kinh nghiệm, thực tiễn, thúc đẩy hợp tác quốc tế… giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn của đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình phát triển.
THANH TÂM