Daniel Layton, đồng tác giả nghiên cứu giải thích: “Tiêm chủng chắc chắn là một trong những can thiệp y tế hiệu quả nhất, cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, việc phân phối vắc xin, đặc biệt là cho các nước đang phát triển, đang gặp khó khăn thường là do thiếu các dây chuyền cung cấp bảo quản lạnh để vắc xin không bị hỏng”.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, hơn 50% vắc xin bị vứt bỏ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự lãng phí đó, là khó bảo quản lạnh vắc xin ở mức nhiệt ổn định.
Hầu hết các loại vắc xin cần được lưu giữ trong phạm vi nhiệt độ từ 20 - 80 độ C để không làm mất tác dụng của vắc xin. Một số loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin mRNA mới, cần được giữ ở nhiệt độ thậm chí còn lạnh hơn, dưới 0 độ C rất nhiều.
Đột phá mới sử dụng vật liệu tinh thể xốp, có thể hòa tan được gọi là khung hữu cơ kim loại (MOF). Vật liệu này bao phủ các phân tử vắc xin để bảo vệ chúng khỏi bị phân huỷ do nhiệt cho đến khi vắc xin được sử dụng. Tại thời điểm sử dụng, chỉ cần bổ sung một loại dung dịch để hòa tan các lớp phủ MOF và vắc xin được tiêm như bình thường.
Cara Doherty, đồng tác giả dự án nghiên cứu cho rằng: “MOF là vật liệu tinh thể xốp có thể hình thành xung quanh vắc xin để tạo nên giàn khung bảo vệ chống lại sự thay đổi nhiệt độ. MOF hoạt động tương tự như một giàn khung mà bạn có thể đặt xung quanh nhà của mình. Sau khi bạn dỡ bỏ khung, ngôi nhà của bạn vẫn còn. Đó là điều sẽ xảy ra khi chúng ta hòa tan MOF trong một loại vắc xin”.
Để kiểm tra kỹ thuật mới, các nhà nghiên cứu đã xem xét hai loại vắc xin thông dụng được phát triển từ vi rút sống. Một loại vắc xin dành cho bệnh gia cầm và loại còn lại dùng cho bệnh cúm, thường bị hỏng trong vòng vài ngày nếu không được bảo quản lạnh.
Các thí nghiệm thành công cho thấy lớp phủ MOF bảo vệ hai loại vắc xin trong 12 tuần ở cả nhiệt độ phòng và mức nhiệt 37 độ C. Hình ảnh tổng thể cho thấy vắc xin vẫn còn sử dụng được sau ba tháng không được bảo quản lạnh.
Tuy nhiên, các tác giả lưu ý vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi lớp phủ có thể được thương mại hóa và triển khai trong thế giới thực vì lớp phủ MOF cần được tối ưu hóa và thử nghiệm trên các loại vắc xin khác như mRNA.
Dù vậy, Ruhani Singh, trưởng nhóm nghiên cứu vẫn lạc quan cho rằng phương pháp mới sẽ tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận vắc xin trên toàn thế giới. Kỹ thuật này có giá thành rẻ và dễ mở rộng, nghĩa là có thể nhanh chóng được đưa vào các quy trình sản xuất vắc xin hiện nay.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/vaccine-warm-storage-for-months-csiro-mofs/, 2/2022