Ngày 8/7/2021, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) đã trở thành thành viên thứ 15 của Mạng lưới các Hội, Hiệp hội Doanh nhân tại Việt Nam tham gia cam kết kinh doanh liêm chính. Chương trình “Mạng lưới kinh doanh liêm chính” (gọi tắt là dự án Fairbiz) do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Sứ quán Vương quốc Anh tài trợ, với sự điều hành của VCCI là một chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”.
Tại phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, nhấn mạnh những vai trò và vị trí của nữ giới trong mọi mặt của đời sống, xã hội. Việc đảm bảo cân bằng giới và duy trì sự tham gia của nữ giới trong các vai trò quản lý và lãnh đạo đã và đang được thể hiện thông qua sự thành công của các doanh nghiệp. Việc tham gia của nữ giới và cân bằng giới trong môi trường kinh doanh là nền tảng đổi mới liêm chính.
Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới nói chung và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước những thách thức và khó khăn chưa có trong tiền lệ, là đại dịch COVID-19. Chính phủ và VCCI sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, biến những thách thức thành cơ hội, cùng doanh nghiệp tham gia giải quyết các vấn đề như cần làm thế nào để duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa... Hội đồng Doanh nghiệp ứng phó với COVID-19 do VCCI thành lập, sẽ là nơi để trao đổi, hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữ trong việc vượt qua những khó khăn hiện nay.
Bà Nguyễn Vân Trang, Trưởng bộ phận các chương trình phát triển, Đại diện Sứ quán Anh chia sẻ trên 3 khía cạnh: Vì sao Chính phủ Anh quan tâm đến vấn đề Minh bạch và Kinh doanh liêm chính, Vì sao Minh bạch và Kinh doanh Liêm chính là vấn đề quan trọng và những mong muốn của Sứ quán Anh. Chính phủ Anh đã có nhiều năm đồng hành cùng các cơ quan quản lý ở Việt Nam, tham gia nỗ lực bảo vệ môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ưu tiên thúc đẩy hợp tác song phương giữa 2 quốc gia. Sau hiệp định UKFTA được ký kết vào năm 2020, Chính phủ Anh đang trong quá trình đàm phán tham gia Hiệp định CPTPP, do đó, việc áp dụng các tiêu chí minh bạch, liêm chính trong kinh doanh, là nền tảng phát triển kinh tế, tăng cường giao thương giữa các quốc gia, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển và lớn mạnh.
Việc thực hành tốt Minh bạch và Kinh doanh Liêm chính không chỉ giúp xây dựng hình ảnh đẹp về doanh nghiệp trên những vấn đề về đạo đức kinh doanh, có thể áp dụng trong các hoạt động quảng cáo, PR, mà trên thực tế, Minh bạch và Kinh doanh Liêm chính còn đưa ra những giá trị lớn về lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thông qua hội thảo, Sứ quán Anh mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng VCCI, UNDP trong công cuộc giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung sức xây dựng cộng đồng phát triển bền vững, tạo ra liên kết và hợp tác các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đại diện UNDP Việt Nam, bà Đỗ Thúy Vân - Quản lý dự án Fairbiz cho biết, từ năm 2018, UNDP đồng hành cùng VCCI đã và đang tích cực nâng cao nhận thức cho hơn 800 doanh nghiệp về minh bạch và kinh doanh liêm chính. Đáng lưu ý, có tới 2/3 số lượng học viên tham dự các khóa học là nữ giới. Thông qua các khóa học, dự án công bố những cẩm nang, hướng dẫn, bộ quy tắc ứng xử và những bài giảng trực tuyến có thể truy cập dễ dàng. Tính liêm chính, minh bạch trong kinh doanh được nhận định là giá trị cốt lõi và kim chỉ nam cho hoạt động của các doanh nghiệp, để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Theo kết quả của những nghiên cứu cấp vùng của Fairbiz, việc phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp góp phần nâng cao tiêu chuẩn về minh bạch và kinh doanh liêm chính, giúp đa dạng hóa lực lượng lao động, và giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn khi khủng hoảng xảy ra.
Bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ, việc Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) tham gia vào Mạng lưới các Hội, Hiệp hội Doanh nhân tại Việt Nam tham gia cam kết kinh doanh liêm chính là cơ hội rất lớn để cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam khẳng định rõ hơn vai trò của mình trong những đóng góp với cộng đồng. Từ đó, đẩy mạnh hợp tác kết nối, thúc đẩy tinh thần học hỏi, vươn lên, đổi mới của doanh nhân trong các quy trình quản trị, vận hành doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, bà Hà Thu Thanh là 1 trong 4 diễn giả tham gia chia sẻ về những góc nhìn trong vấn đề Minh bạch và Kinh doanh Liêm chính. Trao đổi với chủ đề Bình đẳng giới trong kinh doanh liêm chính: Chiến lược phát triển nữ lãnh đạo và văn hóa đa dạng bao trùm, bà Thanh đã chia sẻ về lợi ích của văn hóa đa dạng bao trùm trong kinh doanh, thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tư nhân, giới thiệu mô hình 6C và tính cần thiết của đa dạng giới.
Ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành của Dynam Capital cung cấp góc nhìn về vấn đề Quản trị công ty hiệu quả: Nền tảng của Quản trị hiệu quả và Mô hình quản trị hiệu quả trong thời COVID-19. Ông Mạc Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Mạc Capital, tập trung vào khía cạnh trụ cột là minh bạch trong việc xây dựng hệ thống tài chính kế toán: Doanh nghiệp có lợi ích gì khi minh bạch về tài chính gắn với ứng phó quản trị tài chính trong thời COVID-19. Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam tóm lược về dự thảo đề án Mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính (VBIN).
Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận gần hơn với những hoạt động minh bạch về tài chính trong hoạt động kinh doanh, là tiền đề để xây dựng doanh nghiệp phát triển theo những giá trị bền vững. Thông qua trao đổi với các diễn giả, các doanh nhân được giải đáp những thắc mắc còn tồn đọng liên quan tới minh bạch và kinh doanh liêm chính.