Nhận diện một số rào cản
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã có nhiều điểm mới, thuận lợi cho sự phát triển của KH,CN&ĐMST. Một số điểm điển hình có thể kể đến như: quy định rõ ràng những ưu đãi trong việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN, từ đó tạo động lực cho nhà khoa học, thúc đẩy việc xã hội hóa nguồn tài chính cho các hoạt động KH&CN, quy định khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ (SHTT) và quy định việc phân chia quyền lợi cho tác giả, tăng cường đầu tư cho các hoạt động KH,CN&ĐMST, hỗ trợ các chính sách thu hút và giữ chân nhà khoa học xuất sắc…
Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự bứt phá về KH,CN&ĐMST. Chính vì vậy, hiện nay, Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng Luật KH&CN sửa đổi với nhiều tư duy đổi mới, kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho đời sống KH&CN ở Việt Nam.
Có thể thấy, các chính sách hiện nay chịu ràng buộc quá lớn của các quy định về tài chính, chưa thể tạo ra được những cơ chế để khuyến khích, làm bệ đỡ cho các nhà khoa học tự do, mạnh dạn triển khai những ý tưởng đột phá có thể chứa đầy rủi ro và đi trước thời đại (vốn là những gì mà nhân loại mong đợi từ các nhà khoa học). Yếu tố rủi ro trong nghiên cứu khoa học rất khó được chấp nhận bởi hệ thống các quy định hiện nay. Theo thông tin từ trang web của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED), thống kê giai đoạn 2008-2017 của Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật, các đề tài không hoàn thành kế hoạch và kết quả nghiên cứu đặt ra chiếm gần 15% tổng số đề tài. Các nhiệm vụ do Quỹ tài trợ phải qua nhiều bước, do đó đôi khi mất tính thời sự, các trang thiết bị và vật tư dự kiến mua sắm có thể bị lỗi thời và trượt giá. Các nội dung nghiên cứu đã được phê duyệt cũng thường hạn chế điều chỉnh, thay đổi. Điều này trái ngược với bản chất phi tuyến tính của hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Mô hình tài trợ cho nghiên cứu khoa học của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được đánh giá là thành công, giúp tạo động lực cho các nhà khoa học (Ảnh: BT).
Từ năm 2009, mô hình tài trợ cho nghiên cứu khoa học của NAFOSTED đã được triển khai rất thành công, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, mô hình của NAFOSTED chưa được nhân rộng và thậm chí còn gặp khó khăn về vốn và bị siết chặt bởi các quy định về tài chính. Theo chúng tôi được biết, đã có một số nhà khoa học trả lại đề tài do NAFOSTED tài trợ vì không muốn bị ràng buộc bởi các quy định về tài chính. Một trong các quy định đó là về mua sắm các vật tư, hóa chất, thiết bị cho nghiên cứu.
Quy định về khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã được nêu trong Luật KH&CN 2013. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, đặc biệt là các hoạt động mua sắm. Sau khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc, các bên còn lúng túng trong việc xử lý tài sản được trang bị.
Mặc dù hoạt động SHTT được thúc đẩy nhưng việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm chưa thể có bước nhảy vọt do vướng mắc trong định giá kết quả nghiên cứu, sản phẩm KH&CN theo quy định của Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Một sản phẩm KH&CN có thể được chuyển giao công nghệ thành công lại có thể gây ra rủi ro tiềm ẩn trong công tác định giá hoặc trong công tác quản lý của đơn vị chủ trì.
Hoạt động KH&CN được Nhà nước đảm bảo chi tối thiểu 2% trong tổng chi ngân sách hằng năm, nhưng con số tuyệt đối còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, cơ chế đầu tư cho KH&CN thiếu đồng bộ: đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trong khi đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN do Bộ KH&CN chủ trì. Việc này dẫn đến tình trạng các thiết bị nghiên cứu được đầu tư nhưng các đơn vị không có (hoặc chưa có) kinh phí để triển khai nhiệm vụ KH&CN hoặc ngược lại, được giao nhiệm vụ nhưng trang thiết bị chưa hoặc không được đầu tư. Hạ tầng về đổi mới sáng tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, trong khi phần lớn các hoạt động đổi mới sáng tạo lại gắn với KH&CN.
Cơ chế đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN vẫn mang tính chất tình huống và dàn trải, chủ yếu dựa vào đề xuất từ chính các nhà khoa học. Vì vậy, chưa tạo nên được sự gắn kết, liên thông giữa các nhiệm vụ để tạo ra những sản phẩm lớn, có giá trị tri thức cao. Đồng thời, chưa tạo động lực để liên kết các nhà khoa học trong cùng một hướng nghiên cứu thành những nhóm nghiên cứu mạnh tầm cỡ quốc gia.
Mặc dù các chính sách xây dựng nguồn nhân lực KH&CN đã được chú trọng, nhưng sự đãi ngộ và tôn vinh các nhà khoa học vẫn chưa có bước đột phá. Chế độ, nguồn lương của nhân lực KH&CN hoạt động trong các cơ sở giáo dục chưa có quy định trong các văn bản để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực. Nghiên cứu viên có mức thu nhập thấp hơn giảng viên có cùng trình độ/ học vị, do đó các trường đại học không thu hút được đội ngũ nghiên cứu viên có trình độ cao. Kỹ thuật viên có mức lương thấp nên không tuyển dụng được đội ngũ chuyên tâm hỗ trợ nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm.
Về công bố KH&CN, Nhà nước chưa có chiến lược về phát triển các tạp chí khoa học, nhà xuất bản trong nước thành các địa chỉ gửi đăng kết quả nghiên cứu khoa học có sức hấp dẫn cao đối với cộng đồng khoa học quốc tế, qua đó gia tăng vị thế của KH&CN Việt Nam, cũng như mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, việc có nhiều đầu mối quản lý về hoạt động KH,CN&ĐMST: Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dẫn đến các văn bản quy định có sự không tương thích lẫn nhau hoặc tồn tại những khoảng trống, ví dụ điển hình là quy định về giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, tiêu chí về nhóm nghiên cứu mạnh. Quy định về giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phải tuân thủ theo Nghị định 18/2024/NĐ-CP ngày 21/02/2024 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN. Theo đó, công trình khoa học của sinh viên phải được công bố ít nhất 01 năm trước khi xét giải thưởng là không hợp lý vì hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Tiêu chí về nhóm nghiên cứu mạnh quy định tại Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo) quá cao và chưa sát với thực tế (nhóm nghiên cứu phải mạnh cả về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng), gây khó khăn cho việc đạt được mục tiêu của các chương trình KH&CN do Bộ KH&CN xây dựng.
Điều 37 và 38 Luật KH&CN năm 2013 có đề cập về các hội đồng tư vấn về KH&CN và được cụ thể hóa trong Điều 32 và 33 Nghị định 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN. Tuy nhiên, các điều khoản này chưa có cơ chế tạo quyền lợi và trách nhiệm cao cho các hội đồng tư vấn về KH&CN.
Một số kiến nghị, đề xuất
Từ những tồn tại, bất cập nêu trên, chúng tôi kiến nghị, đề xuất một số vấn đề sau:
Nhà nước cần có giải pháp tăng tính linh hoạt về tài chính và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học (Ảnh: BT).
Thứ nhất, Nhà nước cần có giải pháp tăng tính linh hoạt về tài chính và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Đầu tư mạo hiểm đối với các ý tưởng khoa học có đột phá, thuyết minh xuất sắc, được giới thiệu bởi các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước là một giải pháp. Tài trợ nghiên cứu cũng có thể được phân theo giai đoạn với các mốc sản phẩm cụ thể. Ngân sách cho nhiệm vụ KH,CN&ĐMST cũng cần có giải pháp thiết lập sẵn sàng để tài trợ kịp thời khi nhà khoa học có các đề xuất chất lượng cao. Ngoài ra, cần giảm thiểu các thủ tục hành chính, khoán sử dụng vật tư tiêu hao và hóa chất theo thuyết minh đã được phê duyệt, cho phép điều chỉnh linh hoạt hơn các nội dung nghiên cứu.
Thứ hai, mô hình NAFOSTED cần được phát triển và mở rộng bằng cách thiết lập các lĩnh vực hoặc mục tiêu ưu tiên quốc gia về KH&CN. Nhà nước cũng cần có các giải pháp thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách bằng các chính sách phù hợp như chính sách thuế.
Thứ ba, các quy định về hạng mục mua sắm cần có cơ chế xét duyệt nhanh để kịp thời sử dụng theo tiến độ nghiên cứu và cho phép điều chỉnh linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Cần có quy định rõ ràng để cho phép tổ chức chủ trì giữ lại, sử dụng hoặc phân bổ hợp lý thiết bị và vật liệu còn lại sau khi kết thúc dự án, đảm bảo hiệu quả và dựa trên nhu cầu của các bên liên quan.
Thứ tư, quy định về chuyển giao công nghệ và định giá tài sản cần được đổi mới và tiếp cận hiện đại. Cần có sự phân loại rõ ràng các dạng sản phẩm KH&CN. Cần có cách tiếp cận mới, không xem sản phẩm KH&CN là tài sản công - luôn tìm cách tránh thất thoát, lãng phí; ngược lại cần trao quyền nhiều hơn cho tổ chức chủ trì và nhà khoa học. Khi đó, việc chuyển giao công nghệ sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Thậm chí, điều này có thể tạo cho nhà khoa học có động lực lớn hơn trong hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc hình thành doanh nghiệp spin-off cũng cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc trong việc góp vốn và định giá tài sản. Có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động này.
Thứ năm, Nhà nước cần tạo cơ chế quản lý tài trợ KH&CN thống nhất, từ đầu tư vốn đến tài trợ cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, nhiệm vụ KH&CN. Đơn vị có nhu cầu được đầu tư cần có thuyết minh tổng thể về cơ sở vật chất, nhiệm vụ KH&CN và sản phẩm KH&CN.
Thứ sáu, mục tiêu tăng cường nguồn nhân lực cho KH&CN cần được hỗ trợ bằng các cải cách cơ cấu lương, chính sách lương và quỹ lương dựa trên hiệu suất công việc. Ngoài ra, chi công lao động hoặc khoán sản phẩm thông qua các nhiệm vụ KH&CN cũng cần được áp dụng định mức phù hợp.
Thứ bảy, đối với tạp chí KH&CN, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư một số tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế. Cần thiết lập mạng lưới các tạp chí uy tín của Việt Nam cùng mạng lưới các nhà khoa học uy tín ở các lĩnh vực khoa học khác nhau. Nhà nước cũng cần hỗ trợ tài chính và đào tạo để nâng cấp một số nhà xuất bản tạp chí KH&CN trong nước đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Thiết lập ngân sách cho cải thiện chất lượng xuất bản khoa học của một số tạp chí và tạo điều kiện để các tạp chí này có mặt trong các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín như WoS, Scopus.
Ngoài ra, việc cân nhắc các tình huống áp dụng và đối chiếu các quy định của những văn bản liên quan cũng có thể hạn chế hoặc loại trừ được sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản giữa các cơ quan ban hành khác nhau.
Hoàng Thị Minh Thảo, Đinh Nho Thái, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Ngọc Dương, Trần Quốc Bình
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội