Hiện nay, việc sản xuất rau của khu vực miền núi phía Bắc còn rất manh mún, đặc biệt chưa có sự kết nối theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, sản xuất rau chưa tạo được sản phẩm hàng hóa có giá trị cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Với mục tiêu xây dựng được mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) để chuyển đổi đất trồng lúa, trồng màu, vườn tạp kém hiệu quả sang sản xuất rau theo hướng hữu cơ và rau an toàn, liên kết nông dân, doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, PGS.TS Nguyễn Viết Hưng (Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên) đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, rau an toàn và chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới vùng miền núi phía Bắc” trong thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 12/2020.
Ảnh minh họa
Các loại rau sử dụng trong dự án bao gồm: Giống rau bắp cải KK Cross; cải ăn lá xanh mỡ, cải xanh Hoàng Mai; rau cải mèo; Giống bí đỏ F1-Gold star 998; cà chua Antoga 50476 và giống dưa chuột Hưng Nông. Dự án được xây dựng triển khai tại xã Yên Đĩnh (nay là thị trấn Đồng Tâm), huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; xã Thành Công, huyện Nguyên Bình; xã Chu Trinh, t.p Cao Bằng và xã Bình Long (nay là thị trấn Nước Hai), huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng; xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả là, dự án đã xây dựng 04 mô hình ứng dụng TBKT trong sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn quy mô 10 ha/2 năm (2019 - 2020), hiệu quả kinh tế tăng ít nhất 50% so với sản xuất đại trà, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mỗi loại rau trên đất lúa tại các địa phương thực hiện dự án nói trên. Bên cạnh đó, dự án cũng đã xây dựng được 02 mô hình liên kết doanh nghiệp - nhóm hộ nông dân sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn: 01 mô hình liên kết doanh nghiệp - nhóm hộ nông dân sản xuất rau theo hướng hữu cơ qui mô 01 ha/mô hình đảm bảo cung cấp ít nhất 75 - 100 tấn rau/năm, thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn ít nhất 3 lần so với sản xuất đại trà tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Mô hình ứng dụng TBKT sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn trên đất lúa và đất màu (sử dụng giống sạch bệnh, bón phân cân đối, sử dụng công nghệ tưới, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc,....) với quy mô 40 ha/2 năm (2019 - 2020) tại tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên đã góp phần: tăng thêm từ 55,0 - 73,2% thu nhập so với sản xuất đại trà. Đồng thời, sản phẩm rau của dự án còn tạo được niềm tin cho người tiêu dùng do có sự đầu tư về nhãn mác, được đóng gói và xây dựng thương hiệu đi kèm với truy xuất được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận VietGAP và được các Sở Nông nghiệp và PTNT tại các tỉnh thực hiện tiếp nhận kết quả thực hiện mô hình.
Dự án được triển khai thực hiện đã góp phần giải quyết được các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề đầu ra cho sản phẩm của người nông dân. Ngoài ra, mô hình liên kết giúp nông dân được hướng dẫn làm việc theo nhóm để liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm và ổn định đầu ra./ T.P (Nguồn: Báo cáo tóm tắt Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, rau an toàn và chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới vùng miền núi phía Bắc”/ PGS.TS Nguyễn Viết Hưng)
T.P tổng hợp (Nguồn: Báo cáo tóm tắt Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, rau an toàn và chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới vùng miền núi phía Bắc”/ PGS.TS Nguyễn Viết Hưng)
Theo: mard.gov.vn