Các thành phần tham gia chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam |
Báo cáo được xây dựng và phát hành bởi BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và sự cố vấn nội dung của hơn 50 chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam.
Báo cáo đã xây dựng Bản đồ khởi nghiệp Việt Nam 2021 với 4 trụ cột chính: Kinh doanh, con người, xã hội và công nghệ. Điểm nhấn đặc biệt của Báo cáo là bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, đa chiều trong các lĩnh vực kinh tế nổi bật: Tiêu dùng, bán lẻ, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe, martech & salestech, logistics & chuỗi cung ứng, phát triển bền vững, nông nghiệp, du lịch và lữ hành, blockchain & crypto.
Trong mỗi lĩnh vực, Báo cáo nêu lên những thách thức phải đối mặt, những xu hướng đột phá công nghệ chính và các công ty công nghệ đang cung cấp giải pháp nổi bật tại Việt Nam. Điển hình như trong ngành công nghệ tài chính (Fintech), Báo cáo đưa ra dự đoán, từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc của tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp và công ty công nghệ tài chính theo đuổi kỹ thuật số hàng đầu (Digital first). Báo cáo chỉ ra rằng 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ “tích cực theo đuổi hiện đại hóa các nền tảng lõi kỹ thuật số”.
Trong ngành công nghệ nông nghiệp và thực phẩm (Agtech & foodtech), Báo cáo chỉ ra 5 xu hướng chính trong năm 2021: Nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, công nghệ sản xuất protein thay thế, phân phối sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm an toàn và minh bạch thực phẩm. Trong đó, phải kể đến một số công nghệ tiêu biểu ứng dụng tại Việt Nam: IoT và các loại cảm biến, robot và tự động hóa, công nghệ máy bay không người lái (Drone) và giám sát cây trồng, học máy (Machine learning) và phân tích, sàn giao dịch điện tử trong nông nghiệp.
Liên quan đến ngành bán lẻ, Báo cáo cũng chỉ ra chuyển đổi số đang có tác động mạnh nhất khi doanh thu bán lẻ trên internet đã tăng 18%, tức hơn 27 tỷ USD. Đại dịch cũng trở thành chất xúc tác thay đổi cách thức mua sắm của người dân.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho biết, đây là báo cáo đầu tiên cung cấp bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ông Phạm Hồng Quất cho rằng, cơ chế đổi mới sáng tạo mở giúp cộng đồng doanh nghiệp cùng giải quyết, đưa ra các thách thức ở phạm vi quốc gia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt
Ngoài ra, Báo cáo cũng nhận định, đầu tư vào start-up công nghệ tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ ghi nhận thêm những dấu ấn mới ấn tượng khi hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang có nhiều tiềm năng và động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn đến từ: Bối cảnh khởi nghiệp thuận lợi; doanh nghiệp và tập đoàn lớn tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo nhiều hơn; sự hỗ trợ từ các tổ chức và Chính phủ.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ đầu tư Do Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới nhờ vào 3 yếu tố chính là start-up Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa; start-up Việt Nam đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao; start-up Việt Nam đã có những công ty đủ trưởng thành để trở thành nhà đầu tư cho thế hệ nhà sáng lập đi sau.
Các doanh nghiệp lớn cũng dần nhận thức vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và việc đầu tư, ứng dụng những ý tưởng mới vào hoạt động của mình. Ý tưởng và giải pháp đổi mới sáng tạo không những giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu hàng đầu là tối ưu hóa lợi nhuận theo một cách mới, đồng thời cũng là cách để các doanh nghiệp bắt kịp với nhu cầu và xu hướng mới chuyển đổi không ngừng của thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù trong 3 năm trở lại đây, đầu tư công nghệ tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng thị trường Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh việc start-up cần liên tục cải tiến và hoàn thiện năng lực để tăng khả năng cạnh tranh thì hệ sinh khởi nghiệp Việt Nam còn đang gặp hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước. Số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều so với số lượng ra đời của start-up. Điều này dẫn đến một số khoảng trống về vốn chưa được khai thác hết.
Hoàng Giang