Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, trong quý III/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cùng với đó, hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); báo cáo Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024.
Sau gần 20 năm triển khai, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 cần được bổ sung, sửa đổi để theo kịp với yêu cầu của xã hội. Khi Luật được xây dựng, Việt Nam chưa gia nhập WTO.
Đến nay, Việt Nam đã là thành viên WTO và đã ký hàng chục thỏa thuận FTA với các nước, trong đó có nội dung tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực này cho phù hợp.
Ngoài ra, Bộ KH&CN sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ 2 dự thảo văn bản, gồm: Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quý II, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đề nghị xây dựng: Luật KH&CN (sửa đổi), Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi; Thông tư số quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Ban hành Quyết định số về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Quyết định này hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình/nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Đổi mới cơ chế quản lý và triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Ban hành theo thẩm quyền các thông tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng chương trình công tác.
“Bộ sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác nước ngoài. Tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương”, ông Phương cho biết.
Cũng trong quý II, bộ sẽ tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội; Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.
Hoài Anh